An sinh

Tái cấu trúc chính sách dân số toàn diện cả về tư duy và hành động

TP. Hồ Chí Minh

Để thực hiện hiệu quả công tác dân số, nhất là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững, việc đánh giá thực trạng chính sách dân số hiện hành, nhận diện tác động của chính sách này đến phụ nữ là vấn đề cần thiết.

Các giải pháp chính sách cần thiết để duy trì mức sinh thay thế; kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số và giúp phụ nữ thực hiện vai trò, trách nhiệm đối với các vấn đề dân số là nội dung trọng tâm được các đại biểu đặt ra tại Tọa đàm khoa học "Thực trạng chính sách dân số liên quan đến phụ nữ và gợi ý giải pháp". Sự kiện do Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/5.

Quang cảnh tọa đàm. 
Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Khái quát thực trạng dân số hiện nay, bà Đào Thị Vi Phương, Phó Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu rõ, đây là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài. Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam đã và đang chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới.

Để thực hiện hiệu quả công tác dân số, nhất là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, việc đánh giá thực trạng chính sách dân số hiện hành, nhận diện tác động của chính sách này đến phụ nữ là vấn đề cần thiết. Các đại biểu đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, phát huy vai trò của phụ nữ trong thực hiện chính sách dân số gắn với bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Bà Đào Thị Vi Phương, Phó Trưởng Ban Chính sách – Luật pháp, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm. 
Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Bà Đào Thị Vi Phương nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh có vị thế đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức về dân số; trong đó có mức sinh thấp nhất cả nước; sự đa dạng dân cư, tỷ lệ lao động di cư cao và xu hướng thay đổi cấu trúc gia đình. "Vì thế, Thành phố đã có những chính sách đặc thù rất riêng về dân số và phát triển như: hỗ trợ phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; chính sách về hỗ trợ nhà ở cho con em phụ nữ lao động…", bà Đào Thị Vi Phương chia sẻ.

Từ thực tiễn mức sinh thấp và ngày càng có xu hướng giảm, bà Trần Thị Ngọc Yến, Trưởng Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố khẳng định, nguyên nhân chính là đô thị hóa nhanh; áp lực công việc, nhà ở, giáo dục và chi phí nuôi con cao; xu hướng kết hôn muộn (nam 32 tuổi, nữ 29 tuổi trung bình năm 2023), sinh con muộn và phổ biến chỉ sinh một con. Bên cạnh đó, trình độ học vấn, thay đổi quan điểm giới trẻ và tỷ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát gia tăng cũng góp phần làm giảm mức sinh.

Bà Trần Thị Ngọc Yến, Trưởng Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. 
Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Do đó, Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp như: các chiến dịch truyền thông "Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con" được đẩy mạnh; phối hợp với Hội Phụ nữ tổ chức hội thi tôn vinh gia đình hai con; tăng cường các hoạt động truyền thông, hội nghị, lễ phát động… Đặc biệt, năm 2024, địa phương đã xây dựng chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi; 2 triệu đồng cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, đối tượng xã hội hoặc ở xã đảo thực hiện sàng lọc trước/sơ sinh; khen thưởng cá nhân, tập thể xuất sắc trong công tác dân số…

Bà Trần Thị Huyền Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, Thành phố đang trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng", song, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy (như: quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…)

Để khắc phục tình trạng này, Thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân số; chú trọng xây dựng và thực hiện các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số. "Thành phố cần đẩy mạnh công tác chăm lo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho phụ nữ có cuộc sống ổn định, yên tâm sinh và nuôi dạy con; thường xuyên tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tiền hôn nhân, sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc và bảo vệ trẻ em; duy trì và lan tỏa các mô hình, câu lạc bộ, tổ, nhóm về xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con, tiền hôn nhân, dịch vụ gia đình…", bà Trần Thị Huyền Thanh chia sẻ.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. 
Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Trên cơ sở phân tích thực trạng chính sách dân số, chuyển đổi nhân khẩu học và "bẫy sinh thấp", Tiến sỹ Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất 5 nhóm giải pháp nhằm định hướng chính sách dân số theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với đặc thù đô thị lớn gồm: khuyến sinh chủ động và linh hoạt; thích ứng với già hóa; đảm bảo công bằng dịch vụ; hoàn thiện thể chế; đổi mới truyền thông.../.


Thanh Vũ

Tin liên quan

Xem thêm