Văn hóa

Điểm đến văn hóa, khơi nguồn tự hào dân tộc

Thái Bình

Khu lưu niệm Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đang trở thành một điểm đến văn hóa đặc biệt, nơi khắc ghi dấu ấn sâu đậm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học tài ba. Nơi đây như một biểu tượng về trí tuệ uyên bác và tinh thần hiếu học của người Việt.

Nằm trên vùng đất Hưng Hà giàu truyền thống khoa bảng, Khu lưu niệm Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn được xây dựng khang trang, mang đậm nét kiến trúc truyền thống Việt Nam. Không gian yên tĩnh, xanh mát nơi đây là điểm hội tụ văn hóa, lịch sử, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tìm hiểu, tưởng nhớ về một trong những nhà bác học vĩ đại nhất của dân tộc.

Khu lưu niệm Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn thu hút nhiều du khách đến dâng hương, tưởng niệm.
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Ông Lê Quý Tự (cháu đời thứ 8 của Danh nhân văn hóa, Nhà bác học Lê Quý Đôn, người quản lý từ đường Lê Quý Đôn) tự hào cho biết, quyết định của UNESCO về việc cùng Việt Nam vinh danh và kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (1726 - 2026) không chỉ là sự tôn vinh, mà còn khẳng định vị thế văn hóa, trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế. Việc này còn giúp dòng họ có thêm động lực giáo dục con cháu noi gương cụ Lê Quý Đôn hiếu học, sống có trách nhiệm và đóng góp tích cực cho xã hội.

Ông Lê Quý Tự (bên phải) - hậu duệ (cháu đời thứ 8) của Danh nhân văn hóa, Nhà bác học Lê Quý Đôn giới thiệu với du khách về Khu lưu niệm.
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Theo ông Tự, Khu lưu niệm Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn là sự kết hợp giữa văn hóa tâm linh và trí tuệ. Khu lưu niệm gồm: Từ đường, hồ Lê Quý Đôn, khu lăng mộ cụ Lê Trọng Thứ (thân phụ Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn) và khu lưu niệm mới. Trong đó, từ đường được thiết kế theo kiểu tam cung: cung tiền, cung trung và cung hậu. Lối thiết kế tam cung chỉ dành cho những vị quan là tứ trụ của triều đình thời xưa, không phải là thiết kế của đại chúng.

Du khách thắp hương thể hiện sự thành kính và lòng biết ơn đối với danh nhân văn hóa dân tộc.
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Khu lưu niệm Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1986.

Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã được xếp hạng “Di tích quốc gia” năm 1986.
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Ông Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, việc UNESCO vinh danh nhà bác học Lê Quý Đôn là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình mà của cả dân tộc Việt Nam, minh chứng quan trọng khẳng định vị thế văn hóa, trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo ông Phạm Văn Nghiêm, hướng tới chuỗi hoạt động trọng đại vào năm 2026, Thái Bình đang tích cực chuẩn bị kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành tổ chức kỷ niệm 300 năm Ngày sinh danh nhân Lê Quý Đôn. Đây không chỉ là dịp tôn vinh thân thế và sự nghiệp của ông, mà còn là cơ hội để quảng bá văn hóa địa phương, thu hút đầu tư, phát triển du lịch và thúc đẩy giáo dục truyền thống.

Du khách tham quan thư viện Lê Quý Đôn trong khuôn viên khu lưu niệm.
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Hiện nay, Việt Nam có 40 ngôi trường mang tên danh nhân Lê Quý Đôn, trong đó tỉnh Thái Bình có 7 trường. Đây không chỉ là nơi nuôi dưỡng tri thức mà còn là điểm tựa tinh thần, nhắc nhở thế hệ trẻ về tấm gương lớn, khơi dậy khát vọng vươn lên bằng con đường học vấn. Tên tuổi của ông cũng được đặt cho nhiều đường phố, giải thưởng khoa học, các hội thảo chuyên đề... Điều này minh chứng cho sự lan tỏa sâu rộng của một danh nhân lớn với giá trị tri thức trường tồn.

Ngôi từ đường Danh nhân văn hóa, Nhà bác học Lê Quý Đôn được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền.
Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Khu lưu niệm Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa mà còn là biểu tượng của tinh thần hiếu học, khát vọng vươn lên và niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Sự kiện UNESCO vinh danh Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn sẽ là động lực để Khu lưu niệm tiếp tục phát huy vai trò là một trung tâm văn hóa, giáo dục, góp phần bảo tồn và lan tỏa những di sản vô giá của ông đến các thế hệ sau.../.

Vũ Quang

Tin liên quan

Xem thêm