Văn hóa

Hướng dẫn rà soát, điều chỉnh và xác định đơn vị hành chính có di tích, di sản

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du kịch yêu cầu giữ nguyên tên gọi các khu du lịch quốc gia đã được công nhận.

Quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Ảnh: Minh Đức - TTXVN 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn rà soát, điều chỉnh và xác định đơn vị hành chính có di tích được công nhận, xếp hạng là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, tổ chức lại... và các vấn đề khác có liên quan thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp đối với một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch.

* Kiện toàn bộ máy quản lý di tích

Đối với lĩnh vực di sản văn hóa, đơn vị hành chính sau sắp xếp có di sản văn hóa được công nhận, xếp hạng, ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh/thành phố (sau đây gọi chung là di tích); di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; bảo vật quốc gia, thực hiện các nội dung sau:

Về di tích, giữ nguyên tên gọi các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh/thành phố đã được công nhận, xếp hạng để không làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích cũng như giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước năm 1972 về việc bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO. Đồng thời, cập nhật địa danh gắn với di tích theo đơn vị hành chính mới được sắp xếp.

Đồng thời, rà soát, điều chỉnh tên gọi, địa danh, địa chỉ mới của tổ chức, Ban/Trung tâm quản lý di tích có liên quan trực tiếp đến đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp; tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các Điều ước quốc tế tại các Công ước của UNESCO mà Việt Nam đã ký kết liên quan đến di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; bảo đảm phải có tổ chức, người đại diện chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo vệ, trông nom di tích. Không để tình trạng không có hoặc không rõ người chịu trách nhiệm trực tiếp.

Kiện toàn bộ máy quản lý di tích đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ di tích. Ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc thẩm quyền của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.

Rà soát các hồ sơ khoa học di tích được lưu trữ tại Ủy ban nhân dân cấp xã để có cơ sở quản lý di tích theo thẩm quyền. Đặc biệt lưu ý thành phần Biên bản và Bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã trước sắp xếp để thống nhất quản lý về đất đai. Trường hợp không còn lưu trữ, đề nghị yêu cầu sao y từ cơ quan quản lý cấp trên.

Về di sản văn hóa phi vật thể, giữ nguyên tên gọi di sản để không làm thay đổi giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di sản; rà soát hồ sơ khoa học của di sản để thống nhất phạm vi phân bố, lan tỏa của di sản để có cơ sở quản lý theo thẩm quyền. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về di sản văn hóa phi vật thể và Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Về bảo vật quốc gia, rà soát, xác định và điều chỉnh đơn vị hành chính nơi đang lưu giữ bảo vật quốc gia so với tên đơn vị hành chính trong Quyết định công nhận bảo vật quốc gia của Thủ tướng Chính phủ.

* Rà soát các lễ hội truyền thống

Đối với lĩnh vực văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị bổ sung đối tượng rà soát là các lễ hội truyền thống đang được tổ chức tại các di tích được công nhận, xếp hạng là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản lịch sử quốc gia đặc biệt đang được rà soát, trừ các lễ hội truyền thống đã được UNESCO ghi danh hoặc trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các lễ hội truyền thống này được xác định theo 2 cấp là “lễ hội truyền thống cấp tỉnh” hoặc “lễ hội truyền thống cấp xã” theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Các lễ hội truyền thống được xác định là lễ hội truyền thống cấp tỉnh tiếp tục thực hiện các thủ tục đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội theo quy định tại khoản 2 Điều 9, Điều 12 và khoản 2 Điều 14, Điều 15 của Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.

Các lễ hội truyền thống được xác định là lễ hội truyền thống cấp xã tiếp tục thực hiện các thủ tục thông báo tổ chức lễ hội theo quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 17 của Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.

Các nội dung khác liên quan đến công tác tổ chức và quản lý lễ hội sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực.

* Cập nhật địa danh gắn với khu du lịch theo đơn vị hành chính mới

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du kịch yêu cầu giữ nguyên tên gọi các khu du lịch quốc gia đã được công nhận. Đồng thời, cập nhật địa danh gắn với khu du lịch theo đơn vị hành chính mới được sắp xếp; rà soát, điều chỉnh tên gọi, địa danh, địa chỉ mới của tổ chức/ban quản lý khu du lịch có liên quan trực tiếp đến đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận khu du lịch cấp tỉnh tại điểm a), khoản 2, điều 27 Luật Du lịch đề nghị sửa đổi Luật Du lịch theo hướng: Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh.

Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp gửi báo cáo rà soát, thực hiện về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30/10/2025./.

Phương Hà

Xem thêm