Trong gần hai tuần diễn ra, Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V đã tạo nhiều bất ngờ, ấn tượng với đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V đã đi đến cuối chặng đường, trong gần 2 tuần diễn ra Liên hoan, công chúng đã có cơ hội được thưởng thức nhiều vở diễn hấp dẫn. Đặc biệt, sự xuất hiện của ba đoàn nghệ thuật của sân khấu Hải Phòng tham gia Liên hoan đã tạo nhiều bất ngờ, ấn tượng với đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
Ấn tượng sân khấu Hải Phòng
Trong số các đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần này, Hải Phòng là địa phương tham gia nhiều nhất, với ba đơn vị và ba vở diễn. Cụ thể, Đoàn kịch nói Hải Phòng với vở "Đến bờ bên kia" của tác giả - Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nghệ sỹ Ưu tú Bùi Như Lai đạo diễn; Câu lạc bộ Sân khấu Biển hẹn với vở "Đối thoại âm dương" của tác giả Nguyễn Hoàng Nam, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Hải đạo diễn; Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng với vở "Lời thề" của Nhà văn Nguyễn Hiếu - Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng đạo diễn. Ba vở diễn mang tới các phong cách khác nhau, tạo nên sự mới mẻ, khác biệt, góp phần không nhỏ tạo nên thành công cho Liên hoan lần này.
Kịch bản "Đến bờ bên kia" được chuyển thể từ tiểu thuyết "Sang sông" của cố Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Câu chuyện diễn ra trên một chuyến đò, gồm nhiều tầng lớp nhân vật: trí thức, nhà sư, lái buôn, lái đò, một em bé và một tên cướp… Trên đò, em bé đi cùng mẹ nghịch ngợm đã đút tay vào chiếc bình cổ và bị kẹt tay trong bình. Mọi người có mặt đều góp một ý kiến nhưng không làm cách nào để rút được tay cậu bé ra. Lo sợ mất chiếc bình quý, hai tên buôn bình cổ đã uy hiếp mẹ cậu bé. Cuối cùng, tên cướp đã đập vỡ chiếc bình cứu cháu bé với lý lẽ "Trẻ con là tương lai đấy! Làm gì cũng phải nhân đức hàng đầu". Xem "Đến bờ bên kia", công chúng có thể cảm nhận được sự đấu tranh giữa thiện - ác trong bản ngã của con người qua từng nhân vật trên sân khấu.
Kịch bản "Đến bờ bên kia" đã từng được dàn dựng với nhiều cộng tác viên tên tuổi do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đặt hàng và biểu diễn tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm toàn quốc 2008, khi đó, vở diễn đã gây nhiều tranh cãi, thậm chí có ý kiến cho rằng đây là một thử nghiệm thất bại.
Việc Đoàn kịch nói Hải Phòng lựa chọn dàn dựng lại vở diễn để tham gia Liên hoan lần này là một thử thách đối với đạo diễn - Nghệ sỹ Ưu tú Bùi Như Lai và các nghệ sỹ. Song, đáng mừng là vở diễn "Đến bờ bên kia" đã thực sự chinh phục được đông đảo khán giả.
Giới trong nghề đều ghi nhận, các nghệ sỹ sân khấu kịch nói Hải Phòng đã diễn không thua kém gì những nghệ sỹ, những ngôi sao tên tuổi của làng kịch nói trong phiên bản mang tên "Sang sông" của năm 2008, hơn thế còn lý giải rõ hơn chủ đề tư tưởng của kịch bản. "Đến bờ bên kia" là câu chuyện mang giá trị nhân văn về tính bổn thiện của con người.
Câu lạc bộ Sân khấu Biển hẹn - một đơn vị xã hội hóa, mang đến Liên hoan vở "Đối thoại âm dương", tính thử nghiệm thể hiện ngay từ việc Nghệ sỹ Ưu tú Lê Hải vừa đóng nhân vật chính trung tâm, vừa đóng vai trò là đạo diễn vở. Vở diễn có thiết kế sân khấu ấn tượng, đặc biệt là thiết kế trang trí uyển chuyển khi là lăng mộ, khi lại là chiếc gương đã tạo nhiều đất diễn cho diễn viên thể hiện.
Trong khi đó, vở "Lời thề" của Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng khiến các đồng nghiệp thích thú. Vượt xa cách dàn dựng quen thuộc của sân khấu múa rối chủ yếu là diễn các tích trò, đơn lẻ và cả thói quen cho rằng múa rối chỉ để phục vụ cho khán giả thiếu nhi, vở diễn đã phục dựng lại "Lễ hội Minh Thề" - di sản văn hóa cấp quốc gia đã có từ lâu đời, diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm tại Di tích cấp quốc gia Đình chùa Hòa Liễu, thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng.
Nhân vật chính trong vở là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung là người đã tiếp thu lễ thề của các đời trước, xây dựng nên Lễ hội Minh thề với nội dung chính là lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công. Một vở rối dài khai thác đề tài lịch sử của địa phương đã mang đến cho "Lời thề" một thế mạnh riêng.
Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng đã cùng ê kíp sáng tạo đã thực sự thổi hồn vào các con rối, biến chúng thành những nhân vật lịch sử sinh động, mang lại ấn tượng mạnh đối với đồng nghiệp và khán giả tại buổi thi.
Điểm sáng cho sân khấu Việt
Tại cuộc tọa đàm bên lề Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V, các nghệ sỹ, các nhà nghiên cứu đều đánh giá rất cao sự thành công của các đơn vị sân khấu Hải Phòng lần này.
Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi nhận định: "Sau mấy cuộc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp gần đây thấy rất rõ sự trưởng thành của đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên của sân khấu Hải Phòng, đặc biệt là trình độ biểu diễn chuyên môn của các nghệ sỹ đã được nâng lên một bậc rất rõ rệt. Sân chơi thử nghiệm không đơn giản nên không phải đơn vị nghệ thuật nào, địa phương nào cũng có thể tham gia. Việc Hải Phòng tự tin dàn dựng tới 3 vở diễn và thực sự đều mang tính thử nghiệm đã tạo nên một yếu tố đặc biệt của Liên hoan lần này".
Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi thừa nhận, tại Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần này, các nghệ sỹ của các đoàn nghệ thuật Hải Phòng tạo bất ngờ cho những người làm nghề, đặc biệt là các thành viên trong Hội đồng giám khảo, trong Ban Tổ chức. Ba vở diễn của Hải Phòng đều có màu sắc, sáng tạo mới mẻ, khác biệt; các nghệ sỹ sân khấu ở các loại hình đều vững vàng về chuyên môn và đảm đương được những vai diễn khó, phức tạp mang tính thử nghiệm…
Các buổi diễn của các nghệ sỹ Hải Phòng được bạn bè quốc tế thích thú, được giới trong nghề đánh giá cao, góp phần không nhỏ vào thành công của Liên hoan lần này.
Chia sẻ lý do khiến Sân khấu Hải Phòng trưởng thành vượt bậc như hiện nay, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư thích đáng của lãnh đạo địa phương.
Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, trong 3 năm qua, khi sân khấu cả nước chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều đơn vị phải ngừng hoạt động không thể biểu diễn, các đoàn nghệ thuật của Hải Phòng lại "sống khỏe" với Đề án "Sân khấu truyền hình Hải Phòng".
Theo đề án, các đoàn nghệ thuật được đầu tư xây dựng các vở diễn nhằm tôn vinh bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa hay những thành tựu mới của Hải Phòng, sau đó được tổ chức truyền hình trực tiếp (hoặc phát lại), sau đó tiếp tục tổ chức lưu diễn tại các địa phương trong thành phố.
Trong 3 năm, 37 chương trình được tổ chức thành công trong đó 20 chương trình được truyền hình trực tiếp và 17 chương trình được ghi hình phát sóng. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của cán bộ và đông đảo khán giả xem trực tiếp cũng như trên sóng truyền hình và tiếp sóng của một số đài tỉnh bạn về hình thức, nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật.
Đặc biệt có 5 số đã được VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam đánh giá cao và phát sóng trong cả nước. Chương trình sân khấu truyền hình sau khi phát sóng còn được tài trợ các suất diễn biểu diễn phục vụ nhân dân, ưu tiên người dân ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo là nơi ít có cơ hội được xem biểu diễn sân khấu trực tiếp… Đến nay, chương trình Sân khấu truyền hình Hải Phòng đã trở thành thương hiệu, là điểm hẹn văn hóa, là điểm sáng của cả nước.
Trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước sáp nhập các đơn vị nghệ thuật biểu diễn theo mô hình Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh hay Nhà hát nghệ thuật truyền thống… để phù hợp với ngân sách và điều kiện biểu diễn, Hải Phòng vẫn giữ nguyên 5 đoàn nghệ thuật công lập, bao gồm kịch nói, chèo, cải lương, múa rối và ca múa nhạc, các đoàn hiện đều đang hoạt động hết công suất. Các đơn vị nghệ thuật ở Hải Phòng còn mời thêm nhiều tác giả, đạo diễn và nghệ sỹ từ Trung ương và các thành phố lớn tới để hợp tác dàn dựng những tác phẩm quy mô, chất lượng cao…
Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi đánh giá, từ những ấn tượng của sân khấu Hải Phòng tại Liên hoan lần này cho thấy, Hải Phòng là "điểm sáng" đối với sự phát triển của nghệ thuật sân khấu, là "điểm sáng" trong việc lãnh đạo địa phương quan tâm đầu tư để sân khấu Hải Phòng có được sự phát triển như hiện nay, các nghệ sỹ được làm nghề, còn người dân có cơ hội được thưởng thức các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần./.