Văn hóa

Bình Thuận phát triển du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp

Bình Thuận

Bình Thuận phấn đấu mỗi địa phương có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái.

Điểm tham du lịch Vườn thanh long Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

(TTXVN) Nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch của tỉnh, tạo bước phát triển đột phá cho ngành Du lịch trong thời kỳ mới, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, tỉnh Bình Thuận tập trung triển khai kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, Bình Thuận sẽ phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu mỗi địa phương có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái.

Thực hiện phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, đến năm 2025, Bình Thuận nỗ lực có 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá, 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù.

Tỉnh phấn đấu 50% số lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn tỉnh…

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Bình Thuận sẽ nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, vừa bảo tồn bản sắc truyền thống, qvừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch.

Cùng với việc bố trí xây dựng các điểm hoặc nhà trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, Bình Thuận tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn; xúc tiến xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Tỉnh đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch nông thôn.

Cùng với sự đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng, tài nguyên, Bình Thuận hiện có 270.000 ha đất sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như lúa, bắp, nho, cây trôm, đặc biệt là cây thanh long. Đây là lợi thế rất lớn để địa phương khai thác và phát triển loại hình du lịch gắn với nông nghiệp bền vững.

Tận dụng lợi thế vốn có, bên cạnh các loại hình du lịch thế mạnh như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển…, Bình Thuận chú trọng phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, điển hình như mô hình "Trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long" cùng người dân tại huyện Hàm Thuận Nam. Việc phát triển đa dạng các loại hình du lịch không chỉ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch trong nước và quốc tế, mà còn góp phần tạo bước phát triển đột phá cho ngành du lịch trong thời kỳ mới.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có 382 dự án đầu tư du lịch (trong đó có 188 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh) với tổng vốn đăng ký 70.000 tỷ đồng, tổng diện tích đất là 6.300 ha. Địa bàn  tỉnh có 600 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với 17.500 phòng, có 550 căn hộ và 315 biệt thự cho thuê, đảm bảo phục vụ đa dạng các dòng du khách vào cùng một thời điểm./.

Hồng Hiếu

Xem thêm