Thời sự

Điểm tựa để ngư dân vươn khơi bám biển

Khánh Hòa

Không chỉ chăm lo cho ngư dân làm việc trên vùng biển, đảo, lực lượng Vùng 4 Hải quân còn thực hiện nhiều chương trình lớn của Quân chủng dành cho người dân sống ở vùng ven biển với nhiều cách làm mới, hiệu quả.

Lực lượng Hải quân Vùng 4 và các nhà hảo tâm trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. 
Ảnh: TTXVN phát

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển (7/5/1955 - 7/5/2025), Hải quân Việt Nam trong đó có Vùng 4 Hải quân luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, gian khổ, thực sự là “điểm tựa” của ngư dân vươn khơi bám biển, khai thác hải sản, làm giàu trên vùng biển, đảo quê hương.

Vùng 4 Hải quân được giao quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo chiến lược trọng yếu của đất nước, từ Cù Lao Xanh (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đến Mũi Ba Kiệm (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), trong đó có 21 đảo thuộc Trường Sa.

Trường Sa, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng là ngư trường đánh bắt hải sản lớn nước ta. Ngư dân hoạt động trên vùng biển này khi gặp vấn đề trên biển, báo nạn khẩn cấp đều được các lực lượng, trong đó có Hải quân đang trực, tuần tra, làm nhiệm vụ sớm có mặt, kịp thời hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu và vận chuyển cấp cứu, lai dắt tàu, cung cấp lương thực, thực phẩm…

Ngư dân Đặng Ân (sinh năm 1992) làm việc trên tàu cá BĐ 98291TS gặp tai nạn nghề nghiệp khi lặn biển ở Trường Sa vào cuối tháng 4 vừa qua, được thuyền trưởng tàu cá Đặng Dưỡng (quê ở tỉnh Bình Định) nhanh chóng đưa vào đảo Song Tử Tây thăm khám. Lực lượng quân y của đảo đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu. Ngư dân Đặng Ân được chẩn đoán bị giảm áp cấp tính, mức độ nặng do lặn sâu 35m, giờ thứ 11. Trước yêu cầu điều trị khẩn cấp, nhanh chóng trong điều kiện cơ sở vật chất trên đảo còn nhiều khó khăn, các quân y đã hội chuẩn với Viện Y học Hải quân, thực hiện điều trị tái tăng áp theo phác đồ 6. Nhờ vậy đến nay, ngư dân này đã qua cơn hoạn nạn, sức khỏe bình phục.

Đây chỉ là một trong số hàng trăm ca bệnh được lực lượng Hải quân hỗ trợ, cấp cứu thành công trên biển, đảm bảo an toàn sự sống khi ngư dân gặp nguy hiểm.

Lực lượng quân y làm việc ở Trường Sa cấp cứu, điều trị cho ngư dân. 
Ảnh: TTXVN phát

Theo Vùng 4 Hải quân, đối với việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và cấp cứu ngư dân, năm 2024 Vùng 4 đã điều động 33 lượt tàu và cứu kéo cho 102 tàu/613 người, hỗ trợ 2.880 kg gạo, 40.540 lít nước ngọt, cấp cứu, khám, cấp phát thuốc, điều trị cho 3.901 lượt ngư dân... Những tháng đầu năm 2025, những việc làm như trên không ít, giúp ngư dân ngày càng yên tâm khi ra khơi làm ăn.

Đại tá Phạm Văn Thọ, Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết, phát huy truyền thống, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt, đơn vị làm tốt nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu và giúp đỡ ngư dân theo phương châm “Lo cho ngư dân như người thân của mình" và "giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh từ trái tim". Đơn vị phát huy vai trò ngư dân cùng tham gia xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và phát triển kinh tế biển bền vững.

Không chỉ chăm lo cho ngư dân làm việc trên vùng biển, đảo, lực lượng Vùng 4 Hải quân còn thực hiện nhiều chương trình lớn của Quân chủng dành cho người dân sống ở vùng ven biển với nhiều cách làm mới, hiệu quả như: Chương trình Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, hoạt động Hải quân đỡ đầu con ngư dân.

Vùng 4 đang đỡ đầu cho 19 cháu ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với số tiền 1 triệu đồng/cháu/tháng. Trong tháng 4 vừa qua, cùng cả nước sống trong những ngày lịch sử Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các đơn vị của Vùng 4 Hải quân tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, trong đó khởi công xây dựng 6 ngôi nhà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn tại Khánh Hòa.

Lữ đoàn 957, Vùng 4 Hải quân bàn giao nhà cho hộ dân khó khăn trên địa bàn thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. 
Ảnh: TTXVN phát

Theo Lữ đoàn 957, đơn vị chủ trì và phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ này, mỗi căn nhà có diện tích 60m2, trị giá khoảng 120 triệu đồng. Đến hết tháng 12 năm nay, đơn vị sẽ bàn giao cho nhân dân đưa vào sử dụng. Chương trình này không chỉ thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 mà còn tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần lan tỏa hình ảnh, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”, xây dựng tình đoàn kết quân dân.

Thượng tá Bùi Xuân Bình, Chính ủy Vùng 4 Hải quân nhấn mạnh, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới, thế hệ cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực, chủ động làm tốt công tác tham mưu với cấp trên trong xử trí các vấn đề trên biển đúng quan điểm, đối sách, không để bị động, bất ngờ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo được phân công.

Các đơn vị trong Vùng 4 tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển", Chương trình “Xanh hóa Trường Sa" và hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân"; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam và quy định khi khác hải sản trên các vùng biển đúng pháp luật. Đặc biệt, đơn vị chuẩn bị tốt nhất về phương án, lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu, giúp đỡ ngư dân, hướng dẫn tàu thuyền của ngư dân vào các âu tàu tránh trú bão, khắc phục sự cố, sửa chữa máy móc, trang bị, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân trong mọi tình huống, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân" thời kỳ mới./.


Phan Sáu

Tin liên quan

Xem thêm