Khoa học

Diễn đàn "Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay"

Quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng đã được đặt ra từ Đại hội Đảng lần thứ XI, được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 05 của Trung ương vào năm 2016 về chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu khai mạc. 
Ảnh: TTXVN phát

Ngày 15/7, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Diễn đàn khoa học với chủ đề “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026–2030, định hướng đến năm 2045”. Diễn đàn thu hút hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp tham dự, cùng trao đổi, thảo luận về những giải pháp then chốt, đột phá nhằm kiến tạo mô hình tăng trưởng mới trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban Chính sách Chiến lược Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, mô hình tăng trưởng cũ đã góp phần tạo nên thành tựu phát triển nổi bật trong hơn ba thập kỷ qua, đưa Việt Nam thoát nghèo, duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, các động lực cũ như: lao động giá rẻ, vốn đầu tư lớn và hội nhập sâu đang dần suy yếu. Năng suất lao động mặc dù được cải thiện nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Doanh nghiệp trong nước khó tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, năng lực công nghệ nội sinh còn yếu, nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng đã được đặt ra từ Đại hội Đảng lần thứ XI, được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 05 của Trung ương vào năm 2016 về chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các chủ trương mới tiếp tục được Đại hội XIII của Đảng khẳng định nhấn mạnh vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy vậy, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn diễn ra chậm, thiếu chiều sâu và chưa đạt kỳ vọng. Tăng trưởng chưa bền vững, phụ thuộc vào vốn và lao động, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp. Việt Nam cần một mô hình mới để thoát khỏi giới hạn cũ và tạo bứt phá trong giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Hồng Sơn nêu ra 6 nhóm vấn đề gợi mở cho Diễn đàn cùng thảo luận: Làm rõ đặc trưng mô hình tăng trưởng mới; xác định cách tiếp cận phù hợp đối với khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; đề xuất giải pháp chuyển dịch nguồn lực từ các ngành thâm dụng tài nguyên sang ngành có giá trị gia tăng cao; vai trò của các thành phần kinh tế trong cơ cấu mới; cách phát huy vai trò của các đô thị lớn và vùng động lực; chính sách cần thiết để thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất một cách bền vững.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh
Ảnh: TTXVN phát

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh cho biết: Diễn đàn năm nay mang ý nghĩa bản lề, khi vừa tổng kết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021–2025, vừa là dịp góp phần vào quá trình xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV và tổng kết Nghị quyết 05. Mục tiêu của diễn đàn là kiến tạo nền tảng lý luận và thực tiễn cho mô hình tăng trưởng giai đoạn tới.

Theo Phó Giáo sư Đặng Xuân Thanh, ba động lực tăng trưởng hiện nay đó là lao động giá rẻ, vốn đầu tư lớn và hội nhập sâu đã đạt đến giới hạn phát huy, không còn tạo ra hiệu quả mạnh mẽ như trước. Nền kinh tế đang ở trạng thái không trì trệ nhưng cũng chưa bứt phá, có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn chỉ bằng một phần nhỏ so với các quốc gia phát triển trong khu vực như Singapore, Malaysia hay Thái Lan. Chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam tham gia chủ yếu nằm ở phân khúc giá trị thấp, khả năng sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.

Phó Giáo sư Đặng Xuân Thanh cho rằng, mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới cần tích hợp nhiều chiều, từ yếu tố kinh tế, công nghệ đến môi trường và xã hội. Cần ưu tiên ba trụ cột: Chuyển đổi số và kinh tế dữ liệu; chuyển đổi xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tận dụng xu hướng dịch chuyển toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, quốc gia nào kiểm soát được dữ liệu và công nghệ lõi sẽ nắm giữ sức mạnh phát triển.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, mô hình tăng trưởng mới không chỉ là định hướng dài hạn, mà phải được cụ thể hóa bằng các chính sách, chương trình hành động rõ ràng và có tính khả thi cao. Trọng tâm của mô hình phải là năng suất, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, Phó Giáo sư Bùi Quang Tuấn nhận định Việt Nam không thể “nhảy vọt” bằng ý chí hay chính sách đơn lẻ. Kinh nghiệm quốc tế như bài học Hàn Quốc hay thất bại của Brazil cho thấy, cần một chiến lược tuần tự nhưng có thể rút ngắn thời gian bằng cách chọn đúng lĩnh vực đột phá, đi tắt đón đầu có chọn lọc.

Theo Phó Giáo sư Bùi Quang Tuấn, ba nhóm ngành có thể là đầu tàu trong mô hình tăng trưởng mới bao gồm: Công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; năng lượng xanh và chuyển đổi xanh; công nghiệp chế biến, chế tạo cao cấp. Ngoài ra, vai trò của các trung tâm đô thị lớn và vùng kinh tế trọng điểm cần được tái định vị như những cực tăng trưởng mới, nơi hội tụ hạ tầng, nhân lực, đổi mới sáng tạo và kết nối quốc tế.

Quang cảnh Diễn đàn khoa học.
Ảnh: TTXVN phát

Tại các phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã kiến nghị những giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa mô hình tăng trưởng mới. Trước hết là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, đồng bộ, thống nhất và vận hành hiệu quả. Cần có cơ chế thử nghiệm (sandbox), nhất là trong các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu số, năng lượng tái tạo.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với doanh nghiệp, viện nghiên cứu, đại học, quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhà nước cần có vai trò định hướng, dẫn dắt thông qua các chương trình quốc gia về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Song song với đó là cải cách mạnh mẽ thị trường lao động và đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ mũi nhọn.

Một nhóm giải pháp quan trọng khác là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, kết nối hiệu quả vùng, quốc gia, quốc tế, đặc biệt là hạ tầng số và logistics. Đồng thời, cần thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng trong mô hình tăng trưởng mới./.

Lý Thị Thanh Hương

Tin liên quan

Xem thêm