Khoa học

Tái cấu trúc hệ thống nghiên cứu theo hướng tinh gọn, chuyên sâu, liên ngành

Việc tinh giản bộ máy và hợp nhất các đơn vị có chức năng tương đồng được xem là điều kiện cần thiết để nâng cao năng lực nghiên cứu, tránh phân tán nguồn lực và tăng tính ứng dụng của các kết quả khoa học vào thực tiễn quản lý, phát triển đất nước.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu
Ảnh: TTXVN

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, diễn ra ngày 11/7, tại Hà Nội, nhiều đại biểu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái cấu trúc hệ thống nghiên cứu theo hướng tinh gọn, chuyên sâu, liên ngành và có khả năng phối hợp hiệu quả hơn. Việc tinh giản bộ máy và hợp nhất các đơn vị có chức năng tương đồng được xem là điều kiện cần thiết để nâng cao năng lực nghiên cứu, tránh phân tán nguồn lực và tăng tính ứng dụng của các kết quả khoa học vào thực tiễn quản lý, phát triển đất nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình sắp xếp lại tổ chức cần đi kèm với việc hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các viện nghiên cứu, từ đó hình thành các nhóm chuyên gia có năng lực triển khai đề tài lớn, có tính liên ngành và so sánh quốc tế. Việc tăng cường chia sẻ dữ liệu, kết quả nghiên cứu và thông tin học thuật nội bộ sẽ giúp tránh tình trạng nghiên cứu trùng lặp, manh mún và thiếu liên kết trong hệ thống.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, Viện đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm theo đúng định hướng chiến lược về tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nghiên cứu. Cụ thể, các ban chức năng và viện nghiên cứu đã phối hợp xây dựng đề án hợp nhất một số đơn vị có chức năng tương đồng, như nhóm các viện nghiên cứu về Trung Quốc, Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương. Đây là tiền đề để hình thành một viện nghiên cứu liên khu vực, có quy mô đủ lớn và chuyên môn liên ngành.

Quang cảnh Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Ảnh: TTXVN

Bên cạnh việc tinh gọn tổ chức, Viện cũng triển khai bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc theo kết quả đầu ra, thay cho hình thức chấm điểm hành chính định lượng trước đây. Phương pháp mới giúp phản ánh rõ chất lượng nghiên cứu, là cơ sở quan trọng để phân bổ nguồn lực, hình thành nhóm nghiên cứu mạnh và nâng cao hiệu suất làm việc. Các chương trình lớn như Đề án đánh giá khoa học tổng hợp và Đề án hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan hành pháp đã cơ bản tháo gỡ được các vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai nghiên cứu.

Về hoạt động hợp tác quốc tế, trong nửa đầu năm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ký kết thêm biên bản ghi nhớ hợp tác với các tổ chức học thuật tại Đông Bắc Á, ASEAN và châu Âu. Các lĩnh vực hợp tác tập trung vào phát triển bền vững, biến đổi xã hội, di cư và chuyển đổi số. Các chương trình trao đổi học giả, tổ chức hội thảo quốc tế và kết nối học thuật đang được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm nâng cao vị thế học thuật của Viện trong khu vực và quốc tế.

Đại diện khối các viện nghiên cứu khu vực, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, việc sáp nhập các viện có lĩnh vực tương đồng là cơ hội để tăng tính kết nối, mở rộng quy mô và chất lượng nghiên cứu. Mô hình viện liên khu vực sẽ giúp khai thác tốt hơn năng lực của đội ngũ nghiên cứu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ khoa học lớn, có tính chiến lược và tác động chính sách cao.

Kết luận hội nghị, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá cao tinh thần chủ động, nghiêm túc và tâm huyết trong thảo luận của các đại biểu. Tiến sỹ Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, tinh gọn bộ máy không chỉ dừng ở việc sắp xếp đầu mối, mà phải gắn liền với nâng cao chất lượng nghiên cứu, đổi mới tư duy khoa học và nâng tầm ảnh hưởng học thuật.

Từ nay đến cuối năm 2025, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục hoàn thiện đề án sáp nhập các viện nghiên cứu theo kế hoạch, bảo đảm không làm gián đoạn chuyên môn và giữ vững đội ngũ. Đồng thời tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh có khả năng tư vấn chính sách, đẩy mạnh hoạt động công bố quốc tế, tăng cường phối hợp nội bộ và cải tiến phương thức quản trị theo hướng hiện đại, minh bạch.

Tiến sỹ Phan Chí Hiếu cho rằng, trong bối cảnh khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang trở thành động lực then chốt cho phát triển quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cung cấp tri thức nền tảng phục vụ hoạch định chính sách và định hướng phát triển bền vững đất nước./.

Lý Thị Thanh Hương

Tin liên quan

Xem thêm