Vai trò quan trọng của viện trợ không hoàn lại trong việc hỗ trợ các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai nhiều chương trình, dự án mang lại giá trị thực tiễn cho cộng đồng. Tuy nhiên, một số bất cập còn tồn tại trong khâu tổ chức, quản lý, giám sát và quyết toán các khoản viện trợ.
Ngày 10/7, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) tổ chức Hội thảo “Đánh giá, nâng cao hiệu quả thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại của Liên hiệp Hội Việt Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp bộ về cơ chế quản lý và thực hiện các dự án viện trợ do các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc huy động và đề xuất.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, vai trò quan trọng của viện trợ không hoàn lại trong việc hỗ trợ các tổ chức khoa học và công nghệ triển khai nhiều chương trình, dự án mang lại giá trị thực tiễn cho cộng đồng. Tuy nhiên, một số bất cập còn tồn tại trong khâu tổ chức, quản lý, giám sát và quyết toán các khoản viện trợ.
Theo Phó Giáo sư Phạm Ngọc Linh, sự đa dạng về nguồn viện trợ, loại hình tổ chức và yêu cầu riêng từ các nhà tài trợ đòi hỏi cần có cơ chế linh hoạt nhưng chặt chẽ trong quá trình phê duyệt, thực hiện và thanh quyết toán. Phó Giáo sư Phạm Ngọc Linh đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá toàn diện mô hình tổ chức, quy trình phê duyệt, triển khai, giám sát, đồng thời ghi nhận các khuyến nghị từ đại diện tổ chức chủ trì, đơn vị tiếp nhận, cơ quan quản lý và đối tác quốc tế để xây dựng giải pháp đồng bộ, khả thi và sát thực tiễn hơn trong thời gian tới.
Kết quả thảo luận tại Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài và tham mưu cho Liên hiệp Hội đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền cơ chế tổ chức, quản lý và tài chính phù hợp với đặc thù của hệ thống tổ chức khoa học ngoài công lập, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ quốc tế phục vụ phát triển bền vững đất nước.
Chuyên gia Đào Xuân Quang, đại diện nhóm nghiên cứu đề tài đã trình bày báo cáo tổng quan về các mô hình tổ chức dự án viện trợ không hoàn lại trong hệ thống Liên hiệp Hội. Báo cáo nhấn mạnh đặc thù của các tổ chức thành viên là hoạt động tự nguyện, tự chủ tài chính nhưng vẫn thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao. Do đó, mô hình quản lý phải vừa bảo đảm sự chủ động của tổ chức chủ dự án, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ theo quy định pháp luật. Ông Đào Xuân Quang đề xuất hai mô hình tổ chức với cơ quan chủ quản là Liên hiệp Hội, chủ dự án là các ban quản lý trực thuộc và các đơn vị triển khai thực hiện. Cơ chế phối hợp giữa các bên được điều chỉnh bằng hợp đồng trách nhiệm, biên bản ghi nhớ với nhà tài trợ. Mô hình hướng đến sự minh bạch, khả thi và phù hợp với điều kiện hoạt động thực tế của các tổ chức khoa học ngoài công lập.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Ban Khoa học và hợp tác quốc tế (Liên hiệp Hội), cho biết Liên hiệp Hội đã ban hành đầy đủ quy trình thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án viện trợ nước ngoài không hoàn lại. Quy trình gồm tám bước, từ xây dựng hồ sơ văn kiện dự án đến lấy ý kiến các cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ, thẩm định nội bộ và trình xem xét phê duyệt. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, một số tổ chức thành viên vẫn còn lúng túng trong việc chuẩn bị hồ sơ đúng theo biểu mẫu, chưa theo dõi sát thời hạn báo cáo, dẫn đến chậm tiến độ triển khai. Việc phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị chủ trì và cơ quan quản lý trong khâu thẩm định là yếu tố then chốt bảo đảm tính pháp lý, minh bạch và phù hợp với yêu cầu của nhà tài trợ và cơ quan quản lý nhà nước.
Bà Nguyễn Huyền Phương, Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) chia sẻ những khuyến nghị về tiếp nhận và triển khai các khoản viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Theo bà Nguyễn Huyền Phương, năm 2024 có 383 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam, trong đó còn tồn tại nhiều khó khăn như quá trình gia hạn giấy phép chưa đồng bộ với thời gian triển khai dự án. Một số dự án chưa có cơ chế tài chính rõ ràng, chưa xác định cơ quan đầu mối quản lý, gây trở ngại trong việc phê duyệt. Bà Nguyễn Huyền Phương đề xuất Liên hiệp Hội cần phối hợp chặt chẽ với Cục Ngoại vụ và các cơ quan liên quan để rà soát giấy phép còn hiệu lực trước khi phê duyệt dự án, đồng thời lưu ý đến các lĩnh vực nhạy cảm như nhân quyền, dân tộc thiểu số, an ninh, quốc phòng nhằm bảo đảm tính phù hợp và không gây rủi ro trong triển khai.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu là đại diện các viện nghiên cứu, hội ngành nghề đã kiến nghị cần tăng tính phân cấp, tạo cơ chế ủy quyền rõ ràng trong việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch tài chính. Một số đại biểu cho biết quy định hiện hành yêu cầu hồ sơ chứng từ phải đầy đủ ngay từ đầu nhưng lại thiếu hướng dẫn cụ thể về biểu mẫu, thủ tục thanh toán khi nhà tài trợ áp dụng cách thức quản lý riêng. Đại biểu đề xuất Liên hiệp Hội sớm xây dựng bộ hướng dẫn nghiệp vụ thống nhất, có sự phân nhóm các loại hình viện trợ, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo về kế toán dự án viện trợ cho các đơn vị thành viên./.
- Từ khóa:
- Viện trợ không hoàn lại