Việc ứng dụng robot AI vào phục vụ hành chính công không chỉ là sự đổi mới về công nghệ mà còn là cách thể hiện tinh thần cầu thị, sáng tạo trong cải cách hành chính.
Từ ngày 1/7, 34 tỉnh, thành phố trên cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp sau thời gian chạy thử nghiệm. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình cải cách nền hành chính.
Tại Thủ đô Hà Nội, sau 10 ngày triển khai, mô hình mới cho thấy những tín hiệu tích cực rõ rệt. Tại nhiều địa phương, các hoạt động hành chính diễn ra suôn sẻ, người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhanh chóng, thuận tiện.
Theo bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam (Hà Nội), quá trình chuẩn bị cho việc chuyển sang mô hình mới được địa phương đặc biệt chú trọng. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức được tổ chức sớm và bài bản.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực cán bộ, phường Cửa Nam đã thử nghiệm đưa robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hỗ trợ thực hiện hành chính công. Theo đánh giá ban đầu, mô hình thử nghiệm bước đầu nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân, góp phần tạo môi trường làm việc thân thiện, hiện đại tại chính quyền cơ sở.
Theo ghi nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Cửa Nam, khá đông người dân đến đây thực hiện thủ tục hành chính. Các cán bộ, công chức của phường làm việc chuyên nghiệp, đồng bộ. Với không gian tiếp dân hiện đại, khang trang và thân thiện, nhiều người dân đến làm thủ tục đều hài lòng, rất thích thú khi được robot chào đón.
Robot AI UBND phường Cửa Nam đưa vào sử dụng có màn hình 21.5 inch hiển thị: Số thứ tự, cửa phục vụ, thời gian ước tính, các thông báo, hướng dẫn từ Trung tâm, mã QR để người dân tra cứu dịch vụ hoặc truy cập hỗ trợ trực tuyến.
Hiện, robot có các chức năng chính như: Hướng dẫn người dân qua màn hình cảm ứng và giọng nói thông minh; tự động in phiếu giữ chỗ và hướng dẫn di chuyển đến khu vực chờ phù hợp; thu nhận đánh giá mức độ của người dân qua tương tác trên màn hình cảm ứng, dữ liệu được thống kê và gửi về lãnh đạo phường kịp thời nâng cao chất lượng dịch vụ; tự động di chuyển bằng công nghệ SLAM và AI quanh khu vực ngồi chờ của người dân, phát nước uống, bánh kẹo, tạo cảm giác thân thiện, chu đáo, giao tiếp cơ bản với người dân, phát nhạc thư giãn khi di chuyển…
Robot sử dụng công nghệ AI để hiểu nội dung, phân loại và hướng dẫn người dân đến cửa dịch vụ phù hợp, thân thiện người lớn tuổi, giảm rào cản công nghệ. Robot cũng có thể di chuyển đến từng vị trí trong Trung tâm khi được gọi, hướng dẫn chi tiết hồ sơ, quy trình thực hiện thủ tục, kết nối cán bộ phụ trách trong các trường hợp cần giải đáp chuyên sâu…
Theo lãnh đạo UBND phường Cửa Nam, việc ứng dụng robot AI vào phục vụ hành chính công không chỉ là sự đổi mới về công nghệ mà còn là cách thể hiện tinh thần cầu thị, sáng tạo trong cải cách hành chính. Việc này giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, tăng hiệu quả phục vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp, đồng thời góp phần hiện đại hóa bộ máy chính quyền và khẳng định vai trò phục vụ nhân dân của chính quyền cơ sở. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức của phường cũng có điều kiện tập trung hơn vào xử lý các nghiệp vụ chuyên sâu, giảm tải áp lực trong công việc thường nhật.
Từ những hiệu quả bước đầu, có thể kỳ vọng rằng mô hình này sẽ lan tỏa và được triển khai rộng rãi hơn trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng hành chính công trên toàn thành phố.
- Từ khóa:
- chính quyền địa phương
- robot
- Hà Nội