Ngày 8/7, tại kỳ họp thứ 25, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, các dự án giao thông trọng điểm của thành phố đang được đẩy nhanh theo cơ chế “làn xanh”, với cầu Tứ Liên khởi công ngày 19/5 (tổng mức đầu tư 20,2 nghìn tỷ đồng, dài 11,5 km), các cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Vân Phúc, Thượng Cát dự kiến khởi công dịp 2/9. Các dự án Vành đai 4 (giải ngân 17,3%), Vành đai 1 (giải ngân 51,4%), Quốc lộ 6 (giải ngân 21%), Đại lộ Thăng Long (giải ngân 31,7%) được triển khai tích cực.
Về phát triển hạ tầng đô thị, cấp thoát nước, chiếu sáng, xử lý ô nhiễm môi trường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết thêm, thành phố đã phê duyệt 83/83 đồ án quy hoạch đô thị và 4 quy chế quản lý kiến trúc, hoàn thành 4 đồ án mới (không gian xây dựng ngầm, phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, bến bãi đỗ xe). Từ đó, góp phần định hình không gian đô thị hiện đại, đa trung tâm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 52,5%, tăng 1,2% so với cùng kỳ, với 19 dự án nhà ở đủ điều kiện kinh doanh (21.648 căn) và dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp.
Về cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270 nghìn m³/ngày đêm) đã hoàn thành hệ thống dẫn nước thải từ sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ, đạt 37,6% tiến độ giải ngân, đi vào vận hành thử nghiệm trong 6 tháng đầu năm 2025. Tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch đạt 99,8% khu vực đô thị và 85% khu vực nông thôn, cao hơn mức trung bình toàn quốc (98% đô thị, 80% nông thôn).
Về chiếu sáng đô thị, thành phố triển khai hệ thống chiếu sáng thông minh tại 5 quận nội thành, thay thế 10.000 bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng, tăng 20% hiệu suất chiếu sáng so với cùng kỳ, góp phần giảm 15% tiêu thụ điện năng công cộng. Về xử lý ô nhiễm môi trường, vi phạm về bảo vệ môi trường giảm 30,3% số vụ so với cùng kỳ, thu nộp ngân sách 14 tỷ đồng. Thành phố triển khai chương trình cải tạo sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, giảm 20% mức độ ô nhiễm so với cùng kỳ. Hệ thống xử lý rác thải đạt công suất 7.500 tấn/ngày, tăng 10% so với cùng kỳ.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng, để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8% trở lên và chuẩn bị cho các sự kiện trọng đại, đặc biệt là kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2025), cũng như chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. UBND thành phố tập trung đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, quyết tâm đạt GRDP 8% trở lên; thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng đô thị bền vững, hiện đại hài hòa với nông thôn; tập trung xử lý ô nhiễm bụi, nước thải, rác thải, từng bước tạo môi trường trong lành, đáng sống trên địa bàn Thủ đô.
Cũng tại kỳ họp, gợi mở một số nội dung cần thực hiện để đưa Hà Nội phát triển lên một tầm vóc mới, xứng đáng là Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Hà Nội cần tập trung ưu tiên nguồn lực, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh và hiện đại, có tính kết nối cao; đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành phủ kín các quy hoạch, thiết kế đô thị; tập trung quản lý quy hoạch gắn với các kế hoạch triển khai thực hiện trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường.
Trong số đó, Hà Nội chú trọng đến quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, khu vực hồ Tây; cải tạo các khu chung cư cũ, tạo lập các không gian công cộng, không gian xanh, sinh thái, các khu vui chơi giải trí cho người dân phát triển các trung tâm thương mại; sớm triển khai đầu tư xây dựng các cầu lớn qua sông Hồng, các nút giao thông cửa ngõ Thủ đô, các tuyến đường sắt đô thị để kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao của Quốc gia, sân bay quốc tế Nội Bài và Khu công nghệ cao Hòa Lạc góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông ở thành phố và các tỉnh lân cận.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị các đại biểu HĐND thành phố nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, tài liệu; phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra các tồn tại hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên, đặc biệt trong điều kiện bộ máy chính quyền 2 cấp Thành phố mới được vận hành từ ngày 1/7/2025.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GRDP của thành phố đạt 7,63%, cao hơn cùng kỳ năm trước (năm trước tăng 6,13%) và cao hơn bình quân chung của cả nước (tăng 7,52%); các cân đối lớn được đảm bảo; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố là 392,2 nghìn tỷ đồng, đạt 77,6% dự toán, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước; môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 3,7 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ; khách du lịch đến Thủ đô tăng cao, đạt 3.694 nghìn lượt người, trong đó khách quốc tế đạt 2.636 nghìn lượt người, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2024./.