Thời sự

Điện Biên tăng cường cán bộ xuống các xã, phường hỗ trợ thực hiện các dự án trọng điểm

Điện Biên

Sáng 9/7, Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

Toàn cảnh hội nghị.
Ảnh: Xuân Tư - TTXVN.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường đề nghị UBND tỉnh Điện Biên khẩn trương tăng cường cán bộ xuống các xã, phường để hỗ trợ thực hiện các dự án trọng điểm; trong đó, hỗ trợ thẩm định, triển khai phê duyệt các phương án bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng. Khẩn trương bồi dưỡng kiến thức cho lãnh đạo cũng như chuyên viên ở bộ máy mới, vị trí mới để thực hiện các dự án; tổ chức tập huấn nội dung liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh cử cán bộ trực tiếp phụ trách dự án, mỗi dự án trọng điểm cử một đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm với tiến độ dự án và gắn kết quả đó với kết quả hoàn thành công tác của đồng chí lãnh đạo.

Ông Nguyễn Thái Bình, Bí thư Đảng ủy Xã Thanh Nưa, tỉnh Điện Biên phát biểu.
Ảnh: Xuân Tư - TTXVN.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đề nghị các cơ quan, địa phương cố gắng không kéo dài thời gian, tập trung các giải pháp triển khai thực hiện dự án. Trong đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, chính sách đối với các tập thể cá nhân liên quan trong giải phóng mặt bằng có quyền lợi, nghĩa vụ thực hiện. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đơn vị báo cáo đầy đủ các hộ gia đình chưa chấp hành, nếu có liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo đơn vị, địa phương để có hình thức tuyên truyền, vận động. Theo Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường, UBND tỉnh cần tập trung ưu tiên cho các dự án quan trọng nhất, đặc biệt là các dự án xây dựng khu tái định cư để nhân dân ổn định cuộc sống. Quá trình triển khai các dự án cũng là cơ hội để đánh giá những cán bộ có năng lực, trách nhiệm trong công việc, đồng thời thanh lọc những cán bộ thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn báo cáo tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: Xuân Tư - TTXVN.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn cho biết, trong số 10 dự án trọng điểm có 5 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và 5 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước. Cụ thể, 5 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước gồm: Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm; Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc Quốc lộ 279 và Quốc lộ 12; Xây dựng khu, điểm tái định cư khu trung tâm hành chính, chính trị tỉnh Điện Biên; các hạng mục thuộc dự án Tổng thể đầu tư xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh Điện Biên; Bảo tồn, tôn tạo di tích khu trung tâm Đề kháng Him Lam (giai đoạn 2).

Các dự án thuộc nhóm dự án phát triển kết cấu hạ tầng đô thị sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước có 2 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, giao chủ đầu tư là Dự án Khu đô thị mới Him Lam, phía Đông đường 7/5 và Dự án Nhà ở xã hội Khu dân cư Đô thị mới phía Bắc đường Hoàng Văn Thái – Khe Chít. Ba dự án đang tổ chức thực hiện các trình tự để làm cơ sở lập, phê duyệt đề xuất dự án đầu tư, bao gồm: Dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và thể thao phía Tây Bắc thành phố Điện Biên Phủ; Tổ hợp khu đô thị, du lịch, thể thao, vui chơi, giải trí hồ Huổi Phạ và phụ cận; Khu đô thị mới phía Bắc Hồng Cúm (phân khu A) tỉnh Điện Biên.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Xuân Tư - TTXVN.

Hiện nay, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra, thậm chí có dự án đã hết thời gian thực hiện. Theo đại diện các sở, ngành cũng như các địa phương, nguyên nhân chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng chậm, khó khăn trong xác minh nguồn gốc đất, tài sản trên đất; công tác kiểm đếm tài sản; đơn giá đất, mức hỗ trợ; công tác vận động, tuyên truyền khiến người dân chưa đồng thuận…

Theo Bí thư Đảng ủy phường Điện Biên Phủ Nguyễn Quang Hưng, khó khăn nhất với các dự án trọng điểm trên địa bàn vẫn là quá trình giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, sau sắp xếp các xã, phường thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, một số cán bộ chuyên môn ở các xã, phường còn thiếu trình độ năng lực, kinh nghiệm trong thực hiện các dự án. Bởi vậy, tỉnh cần tăng cường cán bộ có chuyên môn xuống cơ sở để hỗ trợ cùng địa phương thực hiện dự án./.

Xuân Tư

Tin liên quan

Xem thêm