Xã hội

Diện mạo mới nơi căn cứ cách mạng Núi Bà

Bình Định

Núi Bà được chọn làm căn cứ cách mạng Khu Đông của tỉnh, là nơi hoạt động của Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị vũ trang của tỉnh, Thị ủy Quy Nhơn, các Huyện ủy An Nhơn, Tuy Phước và Phù Cát.

Vùng quê nông thôn Khu căn cứ địa cách mạng Núi Bà đã có nhiều khởi sắc hơn trước
Ảnh: Lê Phước Như Ngọc/TTXVN

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Núi Bà ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định được chọn làm căn cứ địa cách mạng Khu Đông và là nơi hoạt động của các cơ quan đầu não của tỉnh, góp phần làm nên chiến thắng vang dội giải phóng thị xã Quy Nhơn (nay là thành phố Quy Nhơn) vào ngày 31/3/1975, tiến tới giải phóng tỉnh Bình Định.

Sau 50 năm, từ vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng của mưa bom, bão đạn, vùng căn cứ địa cách mạng Núi Bà đã “khoác’ lên mình diện mạo tươi mới, năng động, phát triển, hiện đại.

*Tự hào truyền thống cách mạng

Các sử gia triều Nguyễn gọi Núi Bà là Phô Nghinh Đại Sơn. Núi Bà liền khoảnh, trải dài qua các xã Cát Tiến (nay là thị trấn Cát Tiến), Cát Hanh, Cát Tài, Cát Hưng, Cát Hải và Cát Thành của huyện Phù Cát và có nhiều hang hốc tự nhiên, có vị trí chiến lược trọng yếu, thuận tiện trong việc vận chuyển đường thủy lẫn đường bộ.

Chính vì lẽ đó, Núi Bà được chọn làm căn cứ cách mạng Khu Đông của tỉnh, là nơi hoạt động của Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị vũ trang của tỉnh, Thị ủy Quy Nhơn, các Huyện ủy An Nhơn, Tuy Phước và Phù Cát. Từ căn cứ này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo kháng chiến, mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở cách mạng.

Đây cũng là “bàn đạp” mở nhiều đợt tiến công, nổi dậy trong chiến dịch “Đồng khởi khu Đông” năm 1964, chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Tiếp đó, mùa Xuân năm 1975, tại Trảng Bàng (thuộc khu vực Sơn Rái), với khí thế sục sôi, quân và dân trong tỉnh đã giải phóng thị xã Quy Nhơn (nay là thành phố Quy Nhơn), kết thúc thắng lợi sự nghiệp chống đế quốc Mỹ cứu nước trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Việt Hùng (82 tuổi, trú thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát) cho biết, ông rất tự hào khi được trực tiếp tham gia những trận đánh năm xưa. Ác liệt nhất phải kể đến giai đoạn từ năm 1966 đến năm 1970 khi quân đội Hàn Quốc (đồng minh của Mỹ) đem quân sang tham chiến. Bọn chúng lùng sục khắp nơi, không có hang đá nào ở Núi Bà mà chúng bỏ qua. Quân ta buộc phải vừa chống cự vừa rút lui để bảo toàn lực lượng, nhưng không vì thế mà nao núng, chùn bước trước kẻ thù.

Ông Hùng cho biết thêm, với một lòng theo Đảng, theo cách mạng, thực hiện chủ trương “dựa vào sức mình là chính, xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện” của Tỉnh ủy, quân và dân huyện nhà đã đứng lên, đồng loạt tấn công, kiên cường giằng co với địch đến cùng để giữ từng tấc đất, giành thế chủ động hoàn toàn. Trước tổn thất nặng nề và nỗi khiếp đảm, quân địch đành co cụm và rút lui dần. Có thể nói rằng, Núi Bà như người mẹ hiền che chở, nuôi giấu lực lượng cách mạng trong suốt thời kỳ đấu tranh gian khổ, đầy đau thương, mất mát ấy.

Bí thư Huyện ủy Phù Cát Đỗ Văn Ngộ bày tỏ, để có được chiến thắng vang dội, nhiều người con ưu tú của huyện Phù Cát đã mãi mãi nằm xuống, hóa thân vào dãy Núi Bà. Trong số đó, không thể không kể đến Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây - người chiến sĩ kiên trung xung phong ôm bom xông vào quân giặc để tiêu diệt và chặn bước tiến công của địch, tấm gương sáng ngời về lòng quả cảm, đức hi sinh cao cả; hay Anh hùng liệt sĩ Vũ Bảo mưu trí, dũng cảm chèo thuyền đưa đoàn cán bộ cách mạng qua sông an toàn khi địch đang bủa vây tứ phía và đã hi sinh khi mới 14 tuổi… Tấm gương của các anh sẽ mãi mãi trường tồn cùng với dòng chảy lịch sử của dân tộc, góp phần tô thắm thêm bề dày truyền thống cách mạng của quê hương.

Năm 1994, Khu căn cứ địa cách mạng Núi Bà được xếp hạng di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia. Dưới chân Núi Bà ngày hôm nay có một tượng đài Chiến thắng Núi Bà được dựng lên bằng chất liệu bê tông cốt thép phủ đồng, cao 18 mét sừng sững hướng ra biển. Công trình nhằm ghi tạc những chiến công lẫy lừng, hiển hách của quân và dân Bình Định trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng vẻ vang của cha ông, trở thành biểu tượng cho niềm kiêu hãnh, tự hào của Bình Định.

*Phát huy nội lực, vươn mình phát triển

Những ngày đầu giải phóng, trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, huyện Phù Cát bắt tay ngay thực hiện nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, truy quét các nhóm tàn quân chống phá. Cùng với đó, củng cố, xây dựng chính quyền và tổ chức cho nhân dân khôi phục kinh tế, ổn định sản xuất, bảo vệ thành quả cách mạng.

Nửa thế kỷ trôi qua, từ vùng đất nghèo khó, huyện Phù Cát đã có bước tiến đáng kể, “khoác” lên mình diện mạo mới, trở thành địa phương phát triển năng động, hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, trú thôn Chánh An, xã Cát Hanh chia sẻ, sau chiến tranh cuộc sống của người dân rất khó khăn. Nhưng với sự động viên, khích lệ của chính quyền, gia đình bà quyết tâm thay đổi cuộc sống, ra sức cải tạo ruộng đồng, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi.

“Sau nhiều năm chăm chỉ làm lụng, tích lũy, kinh tế dần cải thiện đáng kể, xây được nhà cửa khang trang, có của ăn của để, lo cho con học hành đến nơi đến chốn. Người dân biết ơn Đảng, cách mạng nhiều lắm”, bà Hà phấn khởi nói.

Chủ tịch UBND xã Cát Hanh Nguyễn Văn Thanh cho hay, toàn xã có 11 thôn, với dân số khoảng hơn 13.500 người. Cát Hanh bây giờ đã khác xưa nhiều, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ của địa phương. Đời sống dân trí, dân sinh cải thiện đáng kể. Đáng mừng hơn hết là mức thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh qua từng năm, đạt hơn 62 triệu đồng/người/năm vào năm 2024…

Về Cát Tiến hôm nay, chúng tôi cảm nhận hết sự đổi thay cùng vùng căn cứ xưa. Từ một xã thuần nông, nhờ sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, Cát Tiến đã vươn mình bứt tốc mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, xã đã được công nhận là thị trấn. Tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn giảm nhanh, xuống còn hơn 0,2% vào năm 2024; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 81,3 triệu đồng/người/năm…

“Đây là cơ sở, tiền đề để khơi dậy khát vọng, phát huy nội lực hướng tới đạt được mục tiêu trở thành đô thị loại IV vào năm 2030, xứng tầm đô thị vệ tinh của thành phố Quy Nhơn”, Chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiến Trần Đình Trực vui mừng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát thông tin, sau 50 năm giải phóng, phải khẳng định rằng, huyện cơ bản xóa được nạn đói và giảm nghèo nhanh, bền vững. Từ chỗ ngăn sông cách núi, đến nay, mạng lưới giao thông được nâng cấp đồng bộ, cứng hóa, thông suốt từ huyện xuống thôn, xã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển. Với sự quan tâm rất lớn của tỉnh, 2 tuyến huyết mạch (đường ven biển ĐT.639 và đường trục kết nối khu kinh tế với sân bay Phù Cát) được đầu tư đưa vào khai thác, mở ra “đường băng” để huyện cất cánh trong tương tai.

Cũng theo ông Hưng, năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn huyện đạt hơn 8,5%, quy mô đứng thứ 4/11 huyện, thị xã, thành phố với giá trị tổng sản phẩm đạt 26.519 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 65 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay, huyện và 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó có một thôn đạt nông thôn mới thông minh; từ 1 đô thị là thị trấn Ngô Mây đến nay, huyện có thêm 2 đô thị là thị trấn Cát Khánh và thị trấn Cát Tiến… Đó là minh chứng, thành quả xứng đáng dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Cát trong công cuộc tái thiết, dựng xây và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Lê Phước Như Ngọc

Tin liên quan

Xem thêm