Chính phủ hành động

Đoàn công tác của Chính phủ làm việc tại Ninh Bình

Ninh Bình

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức song với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, Ninh Bình vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, thuộc top cao của cả nước

TTXVN - Ngày 19/10, Đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Ninh Bình về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Tiếp và làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn, lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành của tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2023, UBND tỉnh đã đánh giá, xác định những khó khăn, thách thức, sớm ban hành Chương trình công tác năm 2023 với 4 nhóm giải pháp và 198 nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm trọng điểm với kế hoạch, giải pháp cụ thể, khả thi, triệt để. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của tình hình thế giới và khu vực, song kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn ước đạt gần 37.900 tỷ đồng, tăng 6,84% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 8/11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng.

Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động và đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Tổng số lượt khách du lịch đến Ninh Bình ước đạt 5,52 triệu lượt, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu đạt trên 5.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 2,9%. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh gặp nhiều khó khăn, chỉ số phát triển công nghiệp 9 tháng toàn tỉnh giảm 2,69% do nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế thấp khiến các doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, chi phí nguyên vật liệu, năng lượng, vận chuyển logistics tăng cao và biến động liên tục...

Về đầu tư xây dựng, tổng vốn đầu tư công giải ngân đạt khoảng 3.930 tỷ đồng, bằng 60,5% kế hoạch được giao. Các chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm có sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của vùng gồm: Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B; Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Ninh Bình; Dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình giai đoạn 1 được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đảm bảo tiến độ đề ra. Tình hình phát triển nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã chỉ ra các khó khăn, vướng mắc, đồng thời trao đổi làm rõ các đề xuất kiến nghị của tỉnh liên quan đến sản xuất kinh doanh, các dự án đầu tư, lĩnh vực đất đai, xuất khẩu... Tỉnh Ninh Bình đề nghị lùi thời hạn tăng thuế xuất khẩu clinker; có chính sách phù hợp điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu như điện, than, xăng, dầu; điều chỉnh khung thời gian phê duyệt giá đất cụ thể thuộc thẩm quyền trách nhiệm của UBND tỉnh; có quy định cụ thể giải quyết một số vướng mắc trong đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa...

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đánh giá cao những kết quả tỉnh Ninh Bình đạt được trong 9 tháng năm 2023. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức song với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, Ninh Bình vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, thuộc top cao của cả nước. Ba khu vực là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đều tăng, trong đó dịch vụ tăng trưởng rất cao, đạt tới 14,27%; giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các công trình trọng điểm được thực hiện tốt. Trong công tác cải cách thủ tục hành chính cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Ninh Bình luôn là điểm sáng của cả nước; đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao đều đảm bảo thời hạn, chất lượng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi, ổn định để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm đã được đầu tư, đặc biệt là 4 dự án hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược mở dư địa, không gian phát triển không chỉ cho tỉnh mà cả vùng và liên vùng, tích cực chuẩn bị các bước đầu tư cho tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh, làm hồ sơ thủ tục mở rộng tuyến Cao Bồ - Nghi Sơn. Tỉnh phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương để xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp chế biến, phát triển dịch vụ du lịch. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm công tác quy hoạch, nghiên cứu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, chiến lược; đảm bảo an sinh xã hội, chính sách người có công, nhà ở xã hội cho các đối tượng...

Với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu xem xem giải quyết, tháo gỡ trong thời gian tới.

Trước đó, Đoàn đã đi kiểm tra tiến độ thi công một số dự án giao thông lớn trên địa bàn./.

Đức Phương

Tin liên quan

Xem thêm