Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm việc tại tỉnh Bình Thuận
Các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận phải nỗ lực với quyết tâm cao, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đặt ra cho giai đoạn 2020 - 2025.
TTXVN - Chiều 7/9, Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Minh Sơn làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn đánh giá, với sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Bình Thuận trong nửa đầu nhiệm kỳ đã đạt được những kết quả quan trọng.
Kinh tế tỉnh Bình Thuận đã phục hồi và tăng trưởng nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; một số tiềm năng lợi thế của tỉnh được khai thác, phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, 3 trụ cột kinh tế công nghiệp - du lịch -nông nghiệp có sự phát triển đúng hướng, trong đó, ngành du lịch đã phục hồi và phát triển nổi bật, nằm trong nhóm các địa phương có doanh thu du lịch cao nhất cả nước.
Tuy nhiên, Bình Thuận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội như: Quy mô phát triển nền kinh tế còn thấp; tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nguồn thu nội địa chưa vững chắc…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn đề nghị, trong những năm còn lại của nửa cuối nhiệm kỳ, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận phải nỗ lực với quyết tâm cao, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đặt ra cho giai đoạn 2020 - 2025.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nhất là tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh triển khai các dự án, công trình trọng điểm như: Hồ Ka Pet, Cảng Hàng không Phan Thiết…
Đồng thời, tỉnh cần có giải pháp nhằm khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc qua địa bàn; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, phấn đấu tự cân đối ngân sách vào cuối năm 2025; kiên trì phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đoàn Anh Dũng cho biết, trong nửa đầu nhiệm kỳ, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng trưởng ổn định. Năm 2021 đạt 2,6%; năm 2022 đạt 7,56%; năm 2023 ước đạt 7,2%. Tỉ lệ huy động thu ngân sách nhà nước so với GRDP năm 2021 đạt 13,41%; năm 2022 đạt 11,41% và năm 2023 ước đạt 8,04%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt 41.377 tỷ đồng, tăng 15,47% so với năm 2021.
Tiềm năng về năng lượng được khai thác, phát huy tốt, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao là động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 đạt 54,5 triệu đồng. Mức giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2023 ước đạt 0,52%. Đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận có 290/536 trường đạt chuẩn quốc gia; có 2 huyện và 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nổi bật, hoạt động du lịch trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra khá sôi nổi. Năm 2023, lượng khách đến tỉnh ước đạt 6,72 triệu lượt (bằng 378% so với năm 2021). Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 16.500 tỷ đồng (bằng 396% so với năm 2021).
Bám sát Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bình Thuận vừa tập trung xử lý kịp thời các vấn đề tồn đọng trong giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế trước đây; đồng thời thúc đẩy chuyển dịch sang giảm dần tỉ trọng của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, tăng dần tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; tăng cường đầu tư, xuất khẩu và chú trọng thị trường trong nước. Trong năm 2023, tỉ trọng nhóm ngành nông - lâm - thủy sản ước đạt 28,9%; tỉ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng ước đạt 37,0%; tỉ trọng nhóm ngành dịch vụ ước đạt 34,2%...
Báo cáo về thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn, ông Đoàn Anh Dũng cho biết, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 47,5 km. Hai đoạn tuyến qua địa bàn của 5 huyện trên địa bàn tỉnh với khối lượng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khá lớn (2.635 hộ, cá nhân và tổ chức, 1.140,8 ha đất bị ảnh hưởng; xây dựng 5 khu tái định cư để bố trí tái định cư cho 149 hộ...). Đến nay, hai tuyến cao tốc này đã hoàn thành, đưa vào hoạt động, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại buổi làm việc, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận báo cáo một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật về đấu giá tài sản. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đưa ra một số kiến nghị với Đoàn công tác.
Cụ thể, tỉnh đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải quyết các tồn tại trong quá trình thi công dự án cao tốc đang ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của nhân dân; khẩn trương sửa chữa hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của các tuyến đường địa phương bị hư hỏng do vận chuyển vật liệu cho dự án gây ra; khắc phục một số vị trí hầm chui dân sinh, đất và nhà của người dân bị ngập nước, xói lở; đồng thời, thực hiện một số giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên hai tuyến cao tốc./.