Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm việc tại tỉnh Thừa Thiên - Huế
Quá trình tiếp công dân đã giúp lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh Thừa Thiên - Huế nắm được những vấn đề bức xúc ở cơ sở, cách làm việc của chính quyền địa phương, ứng xử với người dân…
Ngày 11/9, Đoàn Giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá, Thừa Thiên - Huế là địa phương có rất ít đơn thư vượt cấp, chưa phát sinh đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp ra Trung ương. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương giải quyết thấu đáo các nội dung khiếu nại của người dân. Qua đó, thể hiện nỗ lực cao của tỉnh trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Nội dung các khiếu nại, đơn thư chủ yếu tập trung ở lĩnh vực liên quan đến đất đai, các vướng mắc từ các quy phạm pháp luật.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động quần chúng nhân dân; các chính sách pháp luật về công tác Mặt trận trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua buổi làm việc, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp, vướng mắc về quy định, cách làm hay của địa phương để đề xuất giải pháp giải quyết cũng như kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan Trung ương, bộ, ngành có liên quan nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, từ năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp đồng thời thực hiện nghiêm túc pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quá trình tiếp công dân đã giúp lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp nắm được những vấn đề bức xúc ở cơ sở, cách làm việc của chính quyền địa phương, ứng xử với người dân…
Quá trình tiếp công dân còn phát sinh một số vấn đề bất cập như nhiều đơn thư, khiếu nại được nộp vượt cấp thẩm quyền xử lý (khoảng 70 - 80% đơn thư, khiếu nại đến Ủy ban nhân dân tỉnh thuộc thẩm quyền cấp dưới)...
Ông Nguyễn Văn Phương kiến nghị, cần có quy định về từ chối trả lời đơn, tiếp công dân trong trường hợp công dân đến để kiến nghị, phản ánh về vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật; đồng thời đề xuất một số nội dung liên quan đến thời hạn thông báo kết quả xử lý đơn kiến nghị, phản ánh; việc ủy quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cho cấp phó trong trường hợp bận công tác đột xuất; quy định xử lý các trường hợp vi phạm nội quy tiếp công dân…
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình, dự án trọng điểm được triển khai với tổng diện tích đất thu hồi và số hộ dân bị ảnh hưởng rất lớn. Đây là thách thức lớn đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ở địa phương. Do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nghiêm túc chấp hành, nhận thức đúng vai trò quan trọng của công tác giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong hai năm 2022 - 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trực tiếp tiếp công dân định kỳ tại trụ sở tiếp công dân tỉnh. Đặc biệt, các buổi tiếp công dân được tổ chức kết nối truyền hình trực tuyến đến các điểm cầu của Ủy ban nhân dân cấp dưới để theo dõi, nắm bắt vụ việc liên quan cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân; đồng thời có hướng dẫn, giải đáp thỏa đáng, tháo gỡ vướng mắc của người dân. Nhờ đó, hầu hết các đơn thư, vụ việc được giải quyết kịp thời; hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài, phát sinh điểm nóng, vượt cấp ở cơ quan Trung ương./.