Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh đã chủ động, tích cực phối hợp cùng với các ngành, địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền múi giai đoạn 2021-2025.
TTXVN - Ngày 6/3, Đoàn Kiểm tra của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Trà Vinh để kiểm tra việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền múi giai đoạn 2021-2025.
Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận và đánh giá cao trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giám sát thời gian qua. Đơn vị đã chủ động, tích cực phối hợp cùng với các ngành, địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền múi giai đoạn 2021-2025.
Thời gian tới, bà Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng các hình thức tuyên truyền phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để các nội dung thực sự đi vào cuộc sống, giúp đồng bào hiểu đúng và đầy đủ về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó đủ khả năng để chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch…
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh tiếp tục tăng cường giám sát, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời kiến nghị ngành chức năng. Trong giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần chuẩn bị kỹ về nội dung, đối tượng để công tác giám sát đạt hiệu quả cao nhất; sau giám sát, phải có kết quả, trong đó cần quan tâm đến những vấn đề kiến nghị của nhân dân thông qua Mặt trận, đảm bảo kiến nghị được cấp thẩm quyền xem xét giải quyết thỏa đáng và dứt điểm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh lưu ý tỉnh Trà Vinh cần lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền múi với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; phát hiện những chồng chéo, khó khăn, bất cập trong thực hiện các chương trình để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét tháo gỡ.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình tuyên truyền, kiểm tra và giám sát hiệu quả trên địa bàn. Đối với những kiến nghị của tỉnh Trà Vinh, Đoàn kiểm tra ghi nhận và sẽ tổng hợp trình cấp thẩm quyền xem xét giải quyết.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Lâm Minh Đằng, 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất quan trong đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết được nhiều vấn đến cấp thiết trong đời sống của nhân dân trong tỉnh. Nhờ vậy, đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Trà Vinh mong muốn Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh thực hiện công tác an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo, xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Báo cáo tại buổi kiểm tra, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Triết cho biết, tỉnh có tổng dân số hơn 1 triệu người, trong đó dân tộc Khmer chiếm 31,53%, dân tộc Hoa chiếm 0,65% và dân tộc khác chiếm 0,05%. Tỉnh Trà Vinh có 59 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với 15 xã khu vực III, 44 xã khu vực I, và 10 ấp đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 5.404 hộ nghèo, chiếm 1,88% so với tổng số hộ dân cư; hộ cận nghèo còn 10.905 hộ.
Năm 2022, tỉnh Trà Vinh đã giải ngân tổng trên 61 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Toàn tỉnh phát triển mới 25 tổ tiết kiệm vay vốn; 9 tổ, nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường; nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn trong tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Triết đề xuất Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có ý kiến kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho phù hợp với tình hình hiện nay. Bởi số liệu rà soát để đề xuất ban hành 2 quyết định này từ năm 2019 theo chuẩn nghèo đa chiều cũ và hiện nay có nhiều xã đã được công nhận nông thôn mới không còn được hưởng các chính sách áp dụng đối với các xã khu vực III, khu vực II trong khi các xã này vẫn còn một số ấp đạt tiêu chí ấp đặc biệt khó khăn.
Tỉnh Trà Vinh kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành văn bản, sổ tay hướng dẫn... vì hiện nay có quá nhiều văn bản hướng dẫn gây khó khăn trong việc nghiên cứu, áp dụng thực hiện. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Trung ương sớm ban hành chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 3, đối tượng 4; bộ tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp để địa phương sớm thực hiện và giải ngân nguồn vốn còn lại của năm 2022./.