Tỉnh Cà Mau đề ra chỉ tiêu phấn đấu tăng ít nhất 5 bậc vị trí xếp hạng của Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX).
TTXVN - Năm 2023, UBND tỉnh Cà Mau đề ra nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ và hiệu quả về thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, tài chính công, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số…
Do vậy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính của tỉnh theo hướng tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan hành chính phải có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng tốt nhu cầu nhiệm vụ được giao.
Điều quan trọng, địa phương đã xác định việc lấy người dân làm trung tâm và lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh.
UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ và khả thi; đồng thời rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm kịp thời phát hiện, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ những văn bản chồng chéo, không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, tỉnh phát huy tốt việc tổ chức các hoạt động, sự kiện, họp mặt, đối thoại với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành kịp thời nắm bắt và hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, rào cản mà doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh gặp phải; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng để thu hút đầu tư.
UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh quán triệt, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2023 theo tinh thần Quyết định số 158/QĐ-UBND, ngày 3/2/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị; đề cao việc nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp; kịp thời đề ra những giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính và mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Tỉnh Cà Mau đề ra chỉ tiêu phấn đấu tăng ít nhất 5 bậc vị trí xếp hạng của Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hài lòng của tổ chức và cá nhân đối với phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).
Tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tương ứng là 70%, 60% và 55%; giảm tối thiểu 25 biên chế công chức, 17 đơn vị đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập và khoảng 414 biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2022.
Tỉnh phấn đấu đạt chỉ tiêu 30% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 95% hồ sơ công việc cấp huyện và 80% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc có nội dung mật); 50% hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP)./.
- Từ khóa:
- Cà Mau
- cải cách hành chính