Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu nhận thức sâu sắc lợi ích của việc bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đối với người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan hành chính nhà nước.
TTXVN - Ngay sau khi ký ban hành Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 28/2/2023 chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, ngày 1/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành về vấn đề này.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công an cho biết, hiện có 39 thủ tục hành chính có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, tuy nhiên, mới có 2 thủ tục hành chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Bộ Công Thương) đã công bố, công khai thủ tục hành chính để triển khai thực hiện theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (Nghị định 104/2022/NĐ-CP).
Đại diện Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát sửa đổi các thông tư liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, công bố thủ tục hành chính, chỉnh sửa phần mềm, xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết…
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng “không thể lùi thời hạn sử dụng thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện thủ tục hành chính thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy”; đồng thời kiến nghị lựa chọn một địa phương làm mẫu hoàn chỉnh trong việc cung cấp tất cả các thủ tục hành chính, dịch vụ công không yêu cầu sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã phản ánh về phần mềm giải quyết thủ tục hành chính còn có khó khăn trong tra cứu, khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đại diện Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... đã báo cáo về tình hình ban hành, thực hiện các thông tư sửa đổi thủ tục hành chính theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu nhận thức sâu sắc lợi ích của việc bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đối với người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan hành chính nhà nước. “Nhận thức phải rõ từ cấp Trung ương, các bộ, ngành rồi lan tỏa xuống các địa phương, người dân, doanh nghiệp. Đây không chỉ là quyết tâm chính trị mà đòi hỏi phải đầu tư nhân lực, công nghệ, cơ sở hạ tầng, kinh phí”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu đại diện các bộ, ngành phải làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan cũng như trách nhiệm khi chưa hoàn thành những nhiệm vụ đã được giao.
Trên thực tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã có những chỉ đạo quyết liệt; ban hành nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn, tuy nhiên, vẫn còn khó khăn, vướng mắc khi các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nhấn mạnh mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương để phục vụ quản lý, điều hành, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp và làm rõ các lớp dữ liệu, cấu trúc thông tin, quy chuẩn dữ liệu thông tin và quy định thủ tục hành chính.
“Đây là vấn đề lớn và mới. Chúng ta vừa làm, vừa khắc phục, giải quyết những vấn đề phát sinh như quá tải, dự báo chưa sát nhu cầu, năng lực hệ thống, đường truyền, hạ tầng lưu trữ, phát triển các công cụ, phần mềm quản lý chuyên sâu và quản trị hệ thống, bảo đảm yêu cầu lưu trữ, bảo mật, an toàn thông tin. Nếu chỉ riêng Bộ Công an hay Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không thực hiện được”, Phó Thủ tướng phân tích.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đánh giá tính đồng bộ, thông suốt, cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý trong quá trình vận hành hệ thống kết nối, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, “làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, địa phương”.
Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành xây dựng apps (các ứng dụng) đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các dịch vụ công. “Đây là chủ trương đúng đắn, cần triển khai đồng bộ từ Trung ương, các bộ, ngành, địa phương để cả những người dân ở vùng sâu vùng xa có thể sử dụng được. Là việc cần và phải làm, tuy nhiên, không nên quá nóng vội hay kỳ vọng; liên tục bổ sung khi triển khai thực hiện, đáp ứng tốt các dịch vụ nhà nước cung cấp cho người dân”, Phó Thủ tướng nêu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong quá trình triển khai, cần khuyến khích, biểu dương các địa phương làm tốt để nhân rộng sang các địa phương khác. Tuy nhiên, ngay cả những địa phương còn nhiều khó khăn vì lý do chủ quan hoặc khách quan, vẫn phải duy trì, đáp ứng tốt dịch vụ công cho người dân, không được để đình trệ. Khi hệ thống chưa hoạt động thông suốt, vẫn phải duy trì nhân lực để phục vụ người dân bằng hoặc tốt hơn trước đây, không được làm ảnh hưởng đến người dân, dù chỉ là một ngày, thậm chí một giờ”.
* Trước đó, theo nội dung Công điện số 90/CĐ-TTg, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định và chỉ đạo của Chính phủ, dẫn đến tình trạng gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức, vẫn còn tình trạng yêu cầu người dân xuất trình các loại giấy tờ chứng minh thông tin về cư trú như giấy xác nhận thông tin về cư trú, thông báo số định danh cá nhân. Một số địa phương đã kết nối với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo điều kiện nhưng vẫn hạn chế khai thác, sử dụng thông tin dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính.
Trong Công điện số 90/CĐ-TTg, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, khẩn trương hoàn thành kết nối và thực hiện tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện quy trình nội bộ để khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, không yêu cầu người dân xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; khẩn trương hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền được giao tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công khai thác thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kịp thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, giải pháp khắc phục báo cáo cấp có thẩm quyền./.