Chính phủ hành động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đơn giản hóa 65 quy định về hoạt động kinh doanh

USAID LinkSME hỗ trợ rà soát vướng mắc, bất cập trong các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

TTXVN - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Chuyển đổi số toàn diện

Điểm đáng chú ý trong kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 của ngành là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số một cách toàn diện các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành. Thúc đẩy chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Đẩy mạnh xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu với nhau và kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng tại xã miền núi Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) giúp người dân giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn, chính xác hơn. (Ảnh minh họa: Văn Tý/TTXVN)

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, giải pháp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra là tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; ban hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ năm 2023, trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và phát triển Chính phủ số, thực hiện chuyển đổi số toàn diện nhằm góp phần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo các Nghị quyết của Chính phủ.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Bộ nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng cắt giảm danh mục hàng hóa nhóm 2; bổ sung danh mục mặt hàng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành; nâng cao năng lực cho việc áp dụng phương thức kiểm tra tại nguồn và kiểm tra tại khâu lưu thông trên thị trường nội địa.

Bộ cũng sẽ phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử; đẩy mạnh việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa quốc gia đối với các thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ.

Duy trì thực hiện tốt Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Nâng cấp và kết nối phần mềm dịch vụ công cấp giấy phép lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua cổng thông tin điện tử.

Chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý của Bộ, phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng là giải pháp quan trọng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt ra.

Theo đó, bên cạnh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, duy trì cập nhật thông tin kịp thời và kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, Bộ này cũng xây dựng các hệ thống thông tin báo cáo về các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ.

Cùng với đó là đẩy mạnh triển khai chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội, trước hết triển khai đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người có công hưởng trợ cấp hàng tháng, sẵn sàng triển khai đến các đối tượng hưởng chính sách đột xuất bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh... Xây dựng các nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó có nền tảng số về hợp đồng lao động điện tử, ưu tiên triển khai tại các địa phương có các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sử dụng số lượng lao động lớn.

Trong mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phấn đấu nâng xếp hạng chỉ số “Việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức” (C2) lên ít nhất 02 bậc, chỉ số “Chất lượng đào tạo nghề” (B6) lên ít nhất 05 bậc.

Cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục

Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết, thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), cơ quan này đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thúc đẩy cải cách thể chế, đơn giản hóa các quy định và thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

USAID LinkSME đã hỗ trợ Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ rà soát vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành về yêu cầu điều kiện thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp phục vụ việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong khuôn khổ Nghị quyết 68/2020/NQ-CP.

Thực hiện Nghị quyết 68/2020/NQ-CP, năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã cập nhật, công khai 395 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (đang có hiệu lực thi hành) trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, bao gồm 131 thủ tục hành chính, 27 tiêu chuẩn, quy chuẩn, 103 yêu cầu, điều kiện, 23 chế độ báo cáo, 1 thủ tục kiểm tra chuyên ngành với 111 sản phẩm hàng hóa.

Nhiều nhất là lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động với 185 quy định (12 thủ tục, 27 tiêu chuẩn, quy chuẩn, 33 yêu cầu điều kiện, 2 chế độ báo cáo, 111 sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành), tiếp đến là lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với 103 quy định, lĩnh vực quản lý lao động ngoài nước 43 quy định…

Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 65 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong 3 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có 47 thủ tục hành chính, 18 yêu cầu điều kiện, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực hoạt động giáo dục nghề nghiệp (32 thủ tục hành chính, 18 yêu cầu, điều kiện); kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (4 thủ tục), kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (8 thủ tục), kinh doanh dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện (3 thủ tục).

Như vậy, tính từ tháng 5/2020 đến cuối năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã cắt giảm, đơn giản hóa 52 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Trong số này, có 2 thủ tục liên quan đến dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định 38/2020/NĐ-CP, 5 thủ tục về hoạt động cho thuê lại lao động trong Nghị định 145/2020/NĐ-CP, 3 thủ tục về hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm quy định trong Nghị định số 23/2021/NĐ-CP, 8 thủ tục liên quan đến hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Nghị định số 112/2021/NĐ-CP, 34 thủ tục quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (tại Nghị định số 24/2022/NĐ-CP)./.

Chu Thanh Vân

Xem thêm