Các đại biểu đã nêu đề xuất về nhiều vấn đề trong dự thảo Luật như nội dung liên quan đến quỹ đất dành cho việc xây dựng các nhà văn hóa, thiết chế văn hóa phục vụ người lao động...
TTXVN - Cần xác định rõ về công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra về đất đai; bổ sung công tác thanh tra đất đai; tăng cường các giải pháp mở rộng quỹ đất xây dựng nhà ở dành cho công nhân lao động; nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ người lao động như khu vui chơi, giải trí, nhà giữ trẻ...
Đây là các nội dung được đại diện công nhân lao động Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi, thảo luận, góp ý tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 3/3.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu đề xuất về nhiều vấn đề trong dự thảo Luật như nội dung liên quan đến quỹ đất dành cho việc xây dựng các nhà văn hóa, thiết chế văn hóa phục vụ người lao động...
Các đại biểu cũng gợi mở cụ thể, chi tiết những vấn đề cần thay đổi, bổ sung để dự thảo Luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; đồng thời chia sẻ nhiều ý kiến, kiến nghị góp ý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về phát triển quỹ đất; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về cơ chế, chính sách, tài chính, giá đất; phân cấp giám sát, kiểm soát quyền lực… tạo điều kiện cho người dân sử dụng đất đai có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đi vào thực tiễn công tác quản lý nhà nước về đất đai, theo bà Bùi Thị Ngọc Oanh, Phó ban Tài chính Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, tại khoản 4, Điều 33, 36, Điều 118, Điều 119, điểm h Điều 125 quy định đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, nhưng chưa cụ thể là đơn vị thuộc nhóm nào theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP sẽ được thuê đất hoặc giao đất không thu tiền (trong đó, nhóm 1 là những đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư; nhóm 2 là tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 là tự đảm bảo một phần chi thường xuyên hoặc nhóm 4 là đơn vị do nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên).
“Do vấn đề này chưa thật sự rõ và kéo dài từ Luật Đất đai năm 2013 nên ảnh hưởng rất nhiều đến công tác xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng của nhiều đơn vị sự nghiệp. Điển hình là đơn vị Cung Văn hóa lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà nghỉ khách sạn Thanh Đa... đã nộp hồ sơ đến Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh hơn 3 năm qua, nhưng vẫn chưa có hướng dẫn rõ các đơn vị này theo chế độ giao đất hay thuê đất”, bà Oanh nêu thực tế.
Là người gắn bó ở địa phương qua nhiều năm công tác, ông Trương Công Hồ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 8 cho rằng, một số điều, khoản trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thật sự sát với thực tiễn và Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Theo ông Công Hồ, chương VI và VII của dự thảo Luật cần xác định cụ thể hơn việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi như Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương...
Ông Công Hồ đề nghị tăng thẩm quyền giải quyết quyền tranh chấp cho cấp phường, xã nhằm tránh dồn ứ lên tuyến trên. Công tác rà soát quy hoạch cần có kế hoạch, lộ trình, thời hạn cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai thác, phát triển kinh tế địa phương.
Góp ý đối với dự thảo Luật, bà Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách pháp luật Công đoàn, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất dự thảo Luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Điều 223. Cụ thể, đổi tên Điều 223 thành “Thanh tra về đất đai” và tách riêng quy định về kiểm tra đất đai; bổ sung khái niệm thanh tra về đất đai vào trong dự thảo Luật trên cơ sở bám sát nội hàm khái niệm thanh tra đã được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thanh tra 2022.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung góp ý về chính sách đất đai, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp cần xem xét, áp dụng giá để đảm bảo cho hộ gia đình làm công chức vừa có thể trả tiền nhà, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo trang trải cuộc sống.
Các đại biểu đề nghị cần nêu rõ về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Điều 17, nhấn mạnh việc triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất từ Điều 89 đến Điều 110, phải làm sao cho phù hợp, tương đương về mặt địa lý hay phong tục tập quán...
Các đại biểu đều thống nhất việc xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dựa trên nền tảng Luật Đất đai năm 2013, song cần tham khảo kỹ lưỡng các bộ luật khác có liên quan, nhất là luật về tài nguyên môi trường, thanh tra... để không chỉ đảm bảo tính thống nhất về kỹ thuật, nội dung, mà còn tránh chồng chéo…/.