Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Ghi nhận, lắng nghe các ý kiến đóng góp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm chuyển tải thông tin đến cơ quan soạn thảo luật một cách chính xác, đầy đủ, khách quan và toàn diện.
TTXVN - Chiều 2/3, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với 30 điểm cầu ở các nước trên thế giới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, việc lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với các dự thảo chính sách pháp luật là công việc thường xuyên, được Đảng, nhà nước, cơ quan soạn thảo ban hành rất quan tâm, chú ý để lấy rộng rãi các ý kiến phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trong phạm vi lấy ý kiến sửa đổi đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, việc ghi nhận, lắng nghe các ý kiến đóng góp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm chuyển tải thông tin đến cơ quan soạn thảo luật một cách chính xác, đầy đủ, khách quan và toàn diện. Đây là luật quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, nhất là doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, việc lấy ý kiến sửa đổi luật nằm trong quá trình xây dựng và từng bước hoàn thiện, pháp luật về đất đai nói riêng, pháp luật nói chung, góp phần từng bước thể chế hóa những chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước; trong đó có Nghị quyết 36-NQ/TW; Chỉ thị số 45-CT/TW; gần đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó thống nhất yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi, phát huy mọi nguồn lực của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Sau khi nghe đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin về quy định quản lý, sử dụng đất liên quan đến nước ngoài trong chính sách pháp luật đất đai hiện hành và hướng sửa đổi, bổ sung, nhiều kiều bào đã tham gia đóng góp ý kiến về nhiều nội dung trong dự thảo luật như: Nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tháo gỡ hạn chế trong quyền sử dụng đất chưa có công trình nhà ở. Cùng với việc đề xuất nghiên cứu kỹ về quản lý đất đai của các nước tiên tiến để áp dụng vào tình hình phát triển của đất nước, nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng chia sẻ kinh nghiệm quản lý việc "đầu cơ", buôn bán, sang tên đất đai, nhà ở của một số nước trên thế giới...
Góp ý dự thảo luật qua hình thức trực tuyến, Giáo sư Nguyễn Đình Phú, Chủ nhiệm Hội doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ bày tỏ tán thành với 2 nội dung sửa đổi (được quy định tại điểm g, điểm b, khoản 1 Điều 30. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở; được mua, thuê, nhận thừa kế, nhận tặng nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc nhận quyền sử dụng đất ở. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không bị giới hạn việc nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển như quy định tại Luật Đất đai 2013. Tổ chức kinh tế, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
“Nếu điều này được thông qua, quyền và nghĩa vụ về nhà ở, đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ tương tự, bình đẳng như công dân trong nước”, ông Nguyễn Đình Phú nêu.
Giáo sư Nguyễn Đình Phú đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm “quyền sử dụng đất ở” thay vì chỉ nêu “quyền sở hữu nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất” trong điểm 1, điểm 2 Điều 47 của dự thảo luật. “Nhà nước luôn xem kiều bào là “khúc ruột ngàn dặm” của Tổ quốc Việt Nam; do đó, việc nhà nước tạo điều kiện cho kiều bào sở hữu nhà ở, đất ở là việc nên làm, bởi đây là nguồn thu hút ngoại tệ, đầu tư vô cùng hiệu quả từ kiều bào vào xây dựng đất nước. Kiều bào sở hữu bất động sản còn góp phần đóng thuế và phát triển các ngành dịch vụ liên quan”, Giáo sư Nguyễn Đình Phú nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Bắc, kiều bào tại Canada, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Home Deco Canada chia sẻ, mỗi năm, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam rất cao, dồi dào. Kiều bào mong muốn mua nhà, đất để ở, để kinh doanh chính là một kênh huy động vốn quan trọng để giải quyết dòng tiền trong xã hội, trong khi thị trường bất động sản đang rất khó khăn về tài chính. “Việc bổ sung quy định về việc mua, bán, trao tặng nhà ở, đất ở đối với kiều bào cũng như mở rộng diện đất ở, nhà ở kiều bào được mua, bán, trao tặng vừa đáng ứng nhu cầu của kiều bào và người thân, vừa thu hút được nguồn vốn lớn, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, đồng thời, xóa được khoảng cách với người trong nước”, ông Nguyễn Hoài Bắc nói.
Một số ý kiến cho rằng, Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục quy định người sử dụng đất có liên quan đến yếu tố nước ngoài đã kế thừa quy định của Điều 5 của Luật Đất đai hiện hành, phân định đối tượng sử dụng đất có liên quan đến yếu tố nước ngoài rành mạch là căn cứ quy định quyền và nghĩa vụ tương ứng của người sử dụng đất tại các điều tiếp theo. Đồng thời, sử dụng thuật ngữ “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” thay cho “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư” để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Đầu tư./.