Xã hội

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Khắc phục những tồn tại, phát huy nguồn lực đất đai

Hậu Giang

Sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

TTXVN - Chiều 2/3, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại hội nghị, hơn 50 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã tham gia đóng góp ý kiến về nhiều nội dung trong dự thảo luật như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tài chính đất đai; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất.

Cụ thể, đại biểu đề xuất cần làm rõ quy định về khoản 3, Điều 70 dự thảo quy định kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì không phải thông qua HĐND cấp huyện, tuy nhiên theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay lại quy định phải thông qua. Về kế hoạch sử dụng đất, đại biểu đề xuất rút ngắn từ 3 năm xuống còn 2 năm, nếu không thực hiện theo kế hoạch thì hủy bỏ để bảo đảm quyền lợi người dân.

Về vấn đề giải phóng mặt bằng, nhiều ý kiến cho rằng thực tế ở một số địa phương, trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng phát sinh trường hợp người có đất thu hồi vắng mặt, không thể liên hệ hoặc thông báo. Do đó, các đại biểu đề xuất tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phối hợp với UBND cấp xã lập biên bản ghi nhận vắng mặt và thực hiện kiểm đếm vắng mặt.

Đóng góp về tiêu chí khi bị thu hồi đất là “tốt hơn nơi ở cũ” được quy định tại Điều 89, đại biểu đề nghị cần làm rõ các tiêu chí như thế nào là tốt hơn. Về quy định bồi thường về đất, đại biểu đề xuất nên bỏ phương án đổi đất bởi thực tế rất khó triển khai; đại biểu cũng đề xuất không giới hạn về hạn mức giao đất theo từng vùng, miền hoặc tăng hạn mức cao hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.

Ngoài ra, các đại biểu đề xuất Luật cần bổ sung nội dung: “chuyển đất nông nghiệp sang đất ở; chuyển đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân được phép chuyển mục đích sử dụng đất đáp ứng yêu cầu cuộc sống về phát triển nhà ở, bảo đảm "an cư lạc nghiệp"; bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: công khai giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại...

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai hiện nay là rất cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ; đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục góp ý, tổng hợp ý kiến gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo về Trung ương theo đúng thời gian quy định./.


Hồng Thái

Tin liên quan

Xem thêm