Xã hội

"Ly nông bất ly hương" – Bài toán về cơ hội và kỹ năng

Tình trạng lao động nông thôn "ly nông và phải ly hương" kéo theo nhiều hệ lụy. Bài toán "ly nông nhưng không ly hương" hiện nay đặt ra không chỉ riêng với tỉnh Hòa Bình mà chung cho cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

TTXVN - Dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2023 với chủ đề "Hòa Bình – Điểm đến đầu tư bền vững" diễn ra vào ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với địa phương để tạo điều kiện cho người dân Hòa Bình "ly nông nhưng không ly hương".

* Lao động nông thôn - Ít cơ hội…

Tình trạng lao động nông thôn "ly nông và phải ly hương" kéo theo nhiều hệ lụy, điều này bộc lộ rõ trong mấy năm dịch COVID-19 hoành hành. Việc hàng trăm nghìn người ồ ạt rời bỏ các trung tâm kinh tế lớn trong đại dịch vào nửa cuối năm 2021 đã cảnh báo về quá trình đô thị hóa quá nóng, dẫn đến sự mất cân đối cơ cấu lao động - việc làm ở khu vực nông thôn.

Bài toán "ly nông nhưng không ly hương" hiện nay đặt ra không chỉ riêng với tỉnh Hòa Bình mà chung cho cả nước.

Thị trường lao động chỉ bền vững khi hội tụ đủ các yếu tố: Cơ hội có việc làm của người lao động; điều kiện làm việc tốt; năng suất lao động cao; có sự bình đẳng, an toàn tại nơi làm việc; thu nhập thỏa đáng; có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trong câu chuyện "ly nông bất ly hương" tại tỉnh Hòa Bình cũng như trên quy mô toàn quốc nổi lên hai nhóm vấn đề là cần tạo nhiều việc làm phi nông nghiệp cho nông dân và nâng cao chất lượng lao động nông thôn (nói cách khác là tăng năng suất lao động).

Việt Nam hiện có gần 99,45 triệu người, số dân sống ở nông thôn vẫn chiếm tới 62,7%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 đạt 51,7 triệu người, trong đó khu vực thành thị chiếm 37,1%, nông thôn chiếm 62,9%, lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 27,5%.

Số người thiếu việc làm ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị (tương ứng 2,51% và 1,70%). Ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tỷ lệ này còn cao hơn (có thể lên đến 20%). Còn theo lĩnh vực kinh tế thì nông nghiệp có số lao động bị thiếu việc làm cao nhất (4,03%), tiếp đến là dịch vụ (1,79%), công nghiệp và xây dựng (1,79%).

Số liệu thống kê cho thấy, số lao động ở khu vực nông thôn của nước ta còn cao, tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn và trong lĩnh vực nông nghiệp cũng lớn hơn nhiều so với thành thị và các ngành khác.

Người nông dân Việt Nam vốn quen với lối sống thuần nông gắn với những sản phẩm độc canh và kỹ thuật canh tác ít có sự đổi mới. Do đó, đại bộ phận lao động nông thôn chỉ thạo duy nhất nghề nông, không có hoặc có rất ít sự hiểu biết về các lĩnh vực kinh doanh phi nông nghiệp.

Đồng thời, khu vực nông thôn thuộc vùng đồng bằng, trung du thì hầu hết đều ở vào tình trạng đất chật, người đông, diện tích đất canh tác tính theo đầu người rất thấp. Còn tại vùng miền núi, điều kiện giao thông khó khăn, đất đai khô cằn, độ dốc cao, thiếu nước cho sản xuất...

Điều kiện tự nhiên khiến cho lao động nông thôn không đủ việc làm, nhất là trong ngành trồng trọt. Thời kỳ nông nhàn trong năm rất dài, có vùng chiếm hơn 1/2 thời gian trong năm. Kết quả khảo sát được nêu trong một báo cáo khoa học của Trường Đại học Thương mại cho thấy, tại huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) thời kỳ nông nhàn chiếm gần 60%, ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) chiếm 52%, ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chiếm 55,4%, ở huyện Đô Lương (Nghệ An) chiếm 51,7%, ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) chiếm 62%...

Quá trình đô thị hóa cùng sự phát triển nhanh các khu – cụm công nghiệp tại nhiều vùng nông thôn đã khiến cho một số gia đình nông dân không còn ruộng, vườn để canh tác. Trong khi đó, phần lớn các gia đình nông dân sử dụng tiền được đền bù đất để phục vụ nhu cầu trước mắt chứ không đầu tư lâu dài cho sản xuất, kinh doanh, nhằm đảm bảo đời sống ổn định lâu dài. Do đó, vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh không những không gia tăng mà còn có nguy cơ giảm sút nghiêm trọng, thậm chí mất hết, khiến không ít gia đình phải ly hương kiếm kế sinh nhai.

Mặt khác, hằng năm cả nước vẫn có khoảng 1 triệu người bổ sung vào lực lượng lao động mà chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Cùng với tốc độ đô thị hóa cao, bình quân diện tích sản xuất nông nghiệp tính theo đầu người thấp dần, tạo ra áp lực về việc làm ngày càng nặng nề, dẫn đến nhiều lao động nông thôn phải di chuyển ra thành phố, các khu công nghiệp hoặc ra nước ngoài kiếm việc làm.

Tác động của những nhân tố cơ bản nêu trên đã khiến tình trạng thất nghiệp, hoặc thiếu việc làm cho lao động trở thành vấn đề nổi cộm tại các vùng nông nghiệp, nông thôn nước ta. Nếu không được xử lý kịp thời, vấn đề này sẽ làm nảy sinh sự mất ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn. Do đó, việc giảm thiểu tình trạng "ly nông là phải ly hương" cần được nhanh chóng giải quyết.

Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2023 của tỉnh Hòa Bình. ( Ảnh: Dương Giang-TTXVN)

*… Và thiếu kỹ năng

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2022 số nhân lực đã qua đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên tại nước ta ước tính là 13,5 triệu người (chỉ chiếm 26,2% lực lượng lao động).

Chất lượng lao động trên quy mô cả nước vốn không cao, song kỹ năng nghề nghiệp ở khu vực nông thôn còn thấp hơn nhiều - số lao động có bằng, chứng chỉ sơ cấp trở lên tại khu vực nông thôn chỉ bằng một nửa so với khu vực thành thị.

Theo Tiến sỹ Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), lao động nông thôn được đào tạo nghề nghiệp chủ yếu ở trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, những người có trình độ trung cấp, cao đẳng còn ít. Lao động nông thôn tham gia học nghề và tham gia thị trường lao động sau học nghề chủ yếu là lao động phổ thông. Lao động nông thôn khó tìm việc được ở các vị trí đòi hỏi kỹ năng nghề cao.

Kỹ năng nghề nghiệp thấp là một thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Trong khi đó, quy mô đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp ở các cơ sở dạy nghề ngày càng giảm mạnh.

Lao động đã qua đào tạo, nhất là lao động chất lượng cao, không muốn quay về nông thôn làm việc. Điều này một phần do thu nhập ở khu vực nông thôn thấp hơn so với thành thị. Mặt khác, do sự ít đa dạng về sản xuất và hoạt động kinh doanh, sự không hoàn thiện của sản xuất dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp ở nông thôn chỉ dừng lại ở nhu cầu sử dụng lao động chân tay đơn giản, không có nhu cầu sử dụng lao động kỹ thuật cao và phức tạp.

Theo một số chuyên gia, điều nghịch lý là tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn đang ngày càng trở nên trầm trọng có phần do tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Quá trình này một mặt tạo ra những việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Mặt khác, thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực khắt khe, nên lao động phổ thông khó có cơ hội tìm được việc làm.

Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh (công nghệ 4.0) trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do lao động chính tại các thôn, làng, chủ yếu là người lớn tuổi, trẻ em. Việc thiếu nhân lực trẻ khỏe, lao động chất lượng khiến cho việc tiếp thu các tiến bộ khoa học còn hạn chế. Thêm vào đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu theo hình thức hộ gia đình làm cho việc áp dụng khoa học-công nghệ gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp ở nông thôn không thuận lợi trong việc đầu tư nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất do thường có quy mô nhỏ, khó tiếp cận được nguồn vốn lớn, dài hạn, lãi suất thấp.

Sự đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn còn ít. Mặc dù đã có Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020, các chương trình, dự án, đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, song nguồn lực cho các nội dung này còn hạn chế, dẫn đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn chưa đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại và xây dựng nông thôn mới.

Làng nghề có thể đóng góp vào toàn bộ quá trình tạo việc làm cho lao động nông thôn. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất của anh Đoàn Xuân Thành tại xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) (Ảnh: Trọng Đạt /TTXVN)

* Để nông dân không cần "ly hương"

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đề xuất các định hướng, giải pháp để lao động nông thôn có thể "ly nông mà không phải ly hương":

Xây dựng chiến lược phát triển nhân lực nông thôn, tạo cơ sở để triển khai tốt các chính sách với mục tiêu thúc đẩy nguồn nhân lực phát triển theo định hướng của nhà nước. Chính phủ phải là nhà đầu tư lớn nhất và toàn diện nhất vào việc xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho người lao động. Các doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc đưa ra nhu cầu, kế hoạch về sử dụng lao động và tham gia vào quá trình đào tạo.

Đa dạng các hoạt động đào tạo chuyên môn nghề nghiệp, chuyển giao kiến thức, kỹ năng làm việc cho lao động nông thôn theo nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế; có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, chương trình tự tạo việc làm cho thanh niên nông thôn; chương trình đào tạo cho phụ nữ và thanh thiếu niên vùng nông thôn; chương trình bảo đảm việc làm cho thanh niên nông thôn.

Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải được đặt trong tổng thể chính sách phát triển nguồn nhân lực quốc gia để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải được định hướng theo sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu toàn nền kinh tế, chứ không thể chỉ riêng cho khu vực nông thôn, bởi vì kinh tế nông thôn không thể tách rời kinh tế chung của quốc gia.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, lấy người dân nông thôn làm trung tâm của sự phát triển.

Để hạn chế tình trạng nông dân ồ ạt "ly hương" vào các thành phố lớn tìm việc làm, Tiến sỹ Phạm Việt Dũng (Tạp chí Cộng sản) kiến nghị về việc hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách đào tạo và thu hút nhân lực cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, cần làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong toàn quốc, phù hợp với định hướng phát triển ngành, vùng và địa phương về nông nghiệp và nông thôn. Quy hoạch phải dựa trên việc phát huy hết lợi thế so sánh của từng ngành, địa phương để hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng mới dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng, địa phương, hạn chế việc chủ yếu dựa vào hai vùng kinh tế trọng điểm như hiện nay dẫn đến sức ép do di cư, mật độ phát triển, thiếu gắn kết, lan tỏa, cân bằng giữa các vùng, miền như hiện nay.

Đổi mới công tác quản lý đào tạo nhân lực đi đôi với đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng nhân lực sau đào tạo. Chú trọng phân cấp, nâng cao tính tự chủ của cơ sở đào tạo nhân lực, tăng cường khả năng quản trị nhà trường. Nhà nước không nên làm thay công việc của các nhà trường mà chỉ đề ra các công cụ kiểm tra, kiểm soát chất lượng đào tạo.

Thực hiện đồng bộ các chính sách thu hút và phát triển nhân lực lĩnh vực nông nghiệp - cải thiện môi trường làm việc, thu nhập và các điều kiện sinh sống.

Về phần mình, ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đưa ra giải pháp nâng cao vai trò của các làng nghề thủ công trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Theo đó, làng nghề có thể đóng góp vào toàn bộ quá trình tạo việc làm cho lao động nông thôn, thực hiện cuộc chuyển dịch cơ cấu lao động và góp phần tăng năng suất lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nước ta có 216.357 cơ sở sản xuất, kinh doanh, thu hút trên 672.000 lao động, bao gồm 2.141 doanh nghiệp, 715 hợp tác xã, 712 tổ hợp tác và trên 212.700 hộ gia đình. Khả năng giải quyết việc làm trong làng nghề còn rất lớn.

Cần tích cực tạo nghề, "cấy" nghề ở các địa phương chưa có nghề, qua đó phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làng nghề.

Cần mở rộng các hình thức đào tạo nghề nghiệp do các làng nghề tổ chức, do các nghệ nhân hướng dẫn..., thông qua các hình thức du nhập, học tập, phổ biến, nhân rộng từ các mô hình, làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả.

Một khi người lao động ở nông thôn có đủ việc làm và có kỹ năng để đáp ứng đòi hỏi của sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thì họ sẽ yên tâm ở lại địa phương làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương./.


Trần Quang Vinh

Xem thêm