Để phát triển làng nghề, trong thời gian tới cần có giải pháp điều tiết mẫu mã, số lượng sản phẩm theo yêu cầu và thị hiếu của thị trường.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong phát triển làng nghề truyền thống hầm than xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận ý kiến đề xuất của sở, ngành, địa phương đến Bộ để quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương; từng bước đưa làng nghề hầm than ở địa phương vừa phát triển nhanh gắn với đảm bảo môi trường vừa phát triển thị trường tiêu thụ ra nước ngoài trong thời gian tới.
Đây là kết luận của Thứ trưởng Bùi Thế Duy khi khảo sát thực tế nghề truyền thống hầm than xã Xuân Hòa ngày 29/8.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng cho biết, mặc dù làng nghề được hình thành, tồn tại trên 50 năm nhưng vẫn chưa đảm bảo về điều kiện môi trường (khói bụi); mặt khác đa số hộ sản xuất nơi đây còn mang tính tự phát, chưa nắm bắt được thị trường. Do đó, để phát triển làng nghề, trong thời gian tới cần có giải pháp điều tiết mẫu mã, số lượng sản phẩm theo yêu cầu và thị hiếu của thị trường; cần có tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm làm ra và tiêu thụ sản phẩm ngành nghề tại địa phương.
Cũng theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, thời gian tới làng nghề cần có quy hoạch, định hướng và tầm nhìn sâu rộng về sản phẩm để đáp ứng nhu cầu chung của thị trường thế giới. Cùng với đó, làng nghề cần đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cải tiến kỹ thuật, đảm bảo môi trường, đổi mới sản phẩm; có chính sách hỗ trợ, tiếp cận vốn, đào tạo tay nghề, nắm bắt thông tin, tiếp cận thị trường xuất khẩu, trao đổi sản phẩm sản xuất bền vững tránh tình trạng thiếu và thừa nguyên liệu.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đề xuất với đoàn một số nội dung như, hỗ trợ làng nghề truyền thống hầm than đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, nhãn hiệu, nâng cao hiệu suất thu hồi than, rút ngắn chu kỳ sản xuất, giảm thiểu tác động đến môi trường; đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của các cơ sở để tạo việc làm nâng cao thu nhập. Bộ có chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng hài hòa giữa giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo Lãnh đạo UBND huyện Kế Sách, xã Xuân Hòa hiện có 207 hộ làm nghề hầm than với 431 lò, tập trung chủ yếu ở 3 ấp: Hòa Thành, Hòa Lộc 2, Hòa An. Tổng sản lượng sản phẩm đạt 33.620 tấn/năm, ước tính doanh thu đạt 51,72 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lợi nhuận hằng năm khoảng 30,17 tỷ đồng/năm. Ngoài các sản phẩm than được sản xuất để tiêu thụ trong nước, làng nghề còn xuất bán ra nước ngoài. Làng nghề đã giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động tại chỗ ở địa phương với thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/tháng/người./.
- Từ khóa:
- Đổi mới công nghệ
- nghề hầm than