Các mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, "Nhà trường - Gia đình - Xã hội" được duy trì hiệu quả để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn giao thông trong trường học.
Chiều 10/9, tại huyện Phú Thiện, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Sự kiện có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo các huyện Ia Pa, Krông Pa, thị xã Ayun Pa, thành phố Pleiku và 12 trường học tại huyện Phú Thiện.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông, từ năm 2023 đến 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 670 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 188 vụ liên quan đến học sinh. Đáng chú ý, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại huyện Chư Prông cướp đi sinh mạng 4 học sinh. Thành phố Pleiku và các huyện Chư Prông, Mang Yang, Đức Cơ, Đăk Đoa là những địa phương có tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học đường cao nhất.
Tại hội nghị, nhiều giải pháp thiết thực đã được đưa ra. Theo Thiếu tá Trần Nam Phương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Gia Lai, đơn vị đã thành lập 4 tổ chuyên đề cấp tỉnh để tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm tại các tuyến quốc lộ trọng điểm. Các tổ chuyên đề xây dựng kế hoạch cụ thể, ưu tiên sử dụng xe mô tô tuần tra lưu động để phát hiện vi phạm, tập trung vào thanh thiếu niên, học sinh.
Ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai, nhận định tỷ lệ tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh ở địa phương cao là do nhận thức, ý thức tham gia giao thông của các em còn kém. Công tác tuyên truyền và xử lý vi phạm với đối tượng này tại một số địa phương còn chưa thường xuyên, quyết liệt. Sự phối hợp, vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, răn đe còn chưa mang lại hiệu quả, thực chất. Việc giao xe cho học sinh chưa đủ tuổi vẫn diễn ra phổ biến, dẫn đến những hệ lụy.
Ông Trần Bá Công, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, nhấn mạnh trong năm học mới 2023-2024, Sở đẩy mạnh các chương trình giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, đổi mới phương pháp truyền thông qua các buổi tuyên truyền, hội thảo và hoạt động ngoại khóa. Sở đưa nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các các Phòng Giáo dục và Đào tạo, trường học. Các mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, "Nhà trường - Gia đình - Xã hội" được duy trì hiệu quả để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn giao thông trong trường học.
Liên quan đến vấn đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, ông Lê Tiên Phong, Giám đốc quốc gia Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á (AIP) cho biết: Tại Việt nam, có khoảng 17 triệu trẻ em di chuyển từ 2 đến 4 lần từ nhà đến trường và ngược lại mỗi ngày. Tình trạng tai nạn giao thông đối với trẻ em vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là khi điều kiện hạ tầng chưa được đảm bảo. Quỹ AIP đã hỗ trợ nhiều chương trình và đem đến các giải pháp giúp giảm thiểu tai nạn giao thông đổi với trẻ em tại Việt Nam như Dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn”, Chiến dịch “Xe đạp đến trường an toàn"…
Tại Gia Lai, AIP đã tài trợ dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” ở thành phố Pleiku; qua đó, cải tạo hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông trước khu vực cổng trường học ở 40/46 trường tiểu học, trung học cơ sở. Từ đầu năm 2023 đến nay, Quỹ AIP tổ chức các buổi đào tạo kỹ năng đi xe đạp an toàn cho hơn 18.000 học sinh tại 19 trường trung học cơ sở. Năm 2024, Quỹ AIP tiếp tục tài trợ hơn 1,9 tỷ đồng cho Dự án “Đạp xe đến trường an toàn”, triển khai tại 12 trường học ở huyện Phú Thiện. Dự án sẽ phát triển thiết bị định vị GPS và ứng dụng BIKE SAFELY; khảo sát tuyến đường học sinh đi xe đạp đến trường thông qua thiết bị định vị GPS và tổ chức giáo dục kỹ năng đi xe đạp an toàn cho học sinh.
Dịp này, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai đã tặng 200 mũ bảo hiểm cho học sinh tại các trường của huyện Phú Thiện./.
- Từ khóa:
- Đổi mới
- phương pháp
- truyền thông
- an toàn
- giao thông
- học sinh