Du lịch

Đổi mới quảng bá du lịch để định vị Việt Nam là điểm đến chất lượng, bền vững

Ngành Du lịch đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến; giá cả dịch vụ, vé máy bay tăng cao… đòi hỏi cần có nghiên cứu, dự báo và phản ứng kịp thời hiệu quả.

Quang cảnh hội thảo.
Ảnh: Thu Hà/CTV

TTXVN - Chiều 10/4, tại Hà Nội, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Hội nghị về công tác xúc tiến du lịch năm 2024.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong chia sẻ: Đây là hội nghị thường niên để các địa phương, doanh nghiệp đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm nhằm thống nhất các giải pháp xúc tiến du lịch, đạt được mục tiêu đề ra. Năm 2023, Việt Nam đã ghi nhận sự phục hồi của du lịch sau COVID-19, từ đó, đặt ra mục tiêu cao hơn trong năm nay. Nhìn từ đà tăng trưởng đầu năm 2024, chúng ta có thể đạt và vượt mức cao hơn nếu có sự liên kết, hợp tác, quảng bá, xúc tiến du lịch; đồng thời, có các giải pháp để khắc phục khó khăn do các tác động của xung đột chính trị, suy giảm kinh tế, giá vé máy bay tăng cao…

Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh, quá trình phát triển đòi hỏi phải luôn đổi mới, do đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng phải thay đổi cách tiếp cận, cách làm thường xuyên, liên tục để đạt kết quả cao nhất. Trong thời gian tới, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cần chú trọng vào một số thị trường trọng điểm như: Hoa Kỳ, Australia, Ấn Độ…

Báo cáo về công tác xúc tiến du lịch năm 2024, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: Năm 2023 là năm phục hồi mạnh mẽ của du lịch, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, 108 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 678 nghìn tỷ đồng. Bước sang năm 2024, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút 4,6 triệu lượt khách quốc tế (tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019); 30 triệu lượt khách nội địa; tổng thu 195 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu cả năm 2024 là thu hút 17-18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 840 nghìn tỷ đồng, công tác xúc tiến du lịch là giải pháp quan trọng.

Ông Hà Văn Siêu cũng chỉ rõ những khó khăn, thuận lợi hiện nay. Đó là bên cạnh những thuận lợi về xu hướng tiêu dùng, du lịch xanh, du lịch số tăng, ngành Du lịch vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến; giá cả dịch vụ, vé máy bay tăng cao… đòi hỏi cần có nghiên cứu, dự báo và phản ứng kịp thời hiệu quả.

Theo đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch số; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hóa loại hình, cách thức tiếp cận thị trường; huy động nguồn lực, phối hợp triển khai các công tác hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An thuộc Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). 
Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Đối với việc triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch có trọng tâm, trọng điểm, ngành chức năng mỗi năm lựa chọn 3-4 hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch ở nước ngoài để tạo đột phá, đầu tư triển khai ở tầm quốc gia, quy mô lớn, có chiều sâu, gắn kết với quảng bá văn hóa, xúc tiến điện ảnh, có sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp cả về ý tưởng, tư vấn và tài chính, tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Năm 2024, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam sẽ được tổ chức tại Bắc Mỹ, Australia, Trung Quốc trong quý II; châu Âu, ASEAN, Ấn Độ trong quý III. Hoạt động xúc tiến du lịch triển khai theo chiến dịch, có chủ đề cụ thể, điểm đến, thương hiệu, đặt chất lượng trải nghiệm của khách du lịch ở trung tâm, hướng tới các thị trường, phân khúc mục tiêu.

Nhằm định vị Việt Nam là điểm đến chất lượng, bền vững, công tác xúc tiến sẽ đẩy mạnh quảng bá các loại hình sản phẩm chủ đạo (du lịch biển đảo, du lịch văn hóa di sản, du lịch sinh thái); các sản phẩm phục vụ thị trường chất lượng cao (du lịch golf, du lịch mạo hiểm, du lịch du thuyền, nghỉ dưỡng dài ngày); quảng bá bối cảnh quay phim, các điểm đến còn ít người biết đến…Đáng chú ý, chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh tại Hoa Kỳ dự kiến sẽ được tổ chức vào quý II tại Los Angeles, với các hoạt động triển lãm về điện ảnh, du lịch Việt Nam, giới thiệu tiềm năng bối cảnh điện ảnh và chính sách của Việt Nam đối với hoạt động điện ảnh quốc tế tại Việt Nam.

Tại hội nghị, đại diện ngành Du lịch các địa phương, doanh nghiệp đã có những ý kiến, đề xuất đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh việc việc liên kết, hợp tác giữa các đơn vị du lịch thay vì hoạt động riêng lẻ; cần xác định các sự kiện xúc tiến trọng điểm, xuyên suốt trong năm, tạo hiệu ứng thu hút du lịch, xây dựng thành sự kiện thường niên, tạo dấu ấn với du khách trong và ngoài nước. Công tác truyền thông cần được làm tốt hơn nữa, coi là nhiệm vụ quan trọng để đưa các hoạt động, điểm đến của địa phương đến với thế giới./.

Việt Hà

Tin liên quan

Xem thêm