Xây dựng thương hiệu vịnh Hạ Long – vịnh Bái Tử Long trở thành thiên đường cảnh quan
Tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2050, trở thành một trong những trung tâm du lịch kết nối toàn cầu, điểm đến hàng đầu thế giới.
TTXVN - Tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2050, trở thành một trong những trung tâm du lịch kết nối toàn cầu, điểm đến hàng đầu thế giới, dựa trên định vị thương hiệu vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long là thiên đường cảnh quan và sự phát triển hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế - xã hội - môi trường, với chất lượng cuộc sống của người dân và môi sinh đạt chuẩn quốc tế.
Trước mắt, từ nay đến năm 2030, Quảng Ninh tiếp tục củng cố vị thế "đầu tàu" du lịch quốc gia, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch quốc tế, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh; thu hút du khách quanh năm, đến từ khắp năm châu, trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ khi đến Việt Nam.
Đây là những mục tiêu quan trọng của Đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mà UBND tỉnh đang hoàn thiện.
Theo Đề án, tỉnh sẽ tập trung chính vào xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Quảng Ninh; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch; phát triển thị trường khách du lịch và xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng liên kết, hợp tác phát triển du lịch; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi chính sách phát triển du lịch; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số…
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu xác định những cơ hội mới, xu hướng mới để tạo ra đột phá cho ngành du lịch tỉnh. Đó là xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển du lịch xanh; xu hướng trung lưu hóa, già hóa dân số; xu hướng khách du lịch quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến, đặc biệt là nhu cầu trải nghiệm hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống, giá trị tự nhiên; xu hướng đến từ hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, tạo ra liên kết du lịch trong tam giác tăng trưởng du lịch Quảng Ninh – Hà Nội – Hải Phòng, liên kết du lịch vùng, liên kết du lịch quốc tế.
Quảng Ninh kiên trì, nhất quán thực hiện chủ trương phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh. Tỉnh hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển du lịch xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết tốt các vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Tỉnh theo đuổi việc đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, kết hợp chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Quảng Ninh có nhiều sản phẩm du lịch đột phá, có chất lượng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao với các loại hình như: Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch thể thao, giải trí, du lịch văn hóa, du lịch văn hóa – lịch sử - tâm linh, du lịch hội thảo, du lịch biên giới, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch biên giới thương mại. Từ đó, tỉnh sẽ phát triển, hình thành các khu du lịch cấp quốc gia tại Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí – Đông Triều, Vân Đồn – Cô Tô. Mục tiêu cao nhất là xây dựng Quảng Ninh – Hạ Long trở thành điểm đến hấp dẫn, là thiên dường nghỉ dưỡng biển mới của thế giới; khẳng định vị thế “Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới” theo định hướng tại Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 17 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu khách quốc tế. Tỉnh sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp như: phát triển thị trường du lịch nội địa; phát triển thị trường du lịch quốc tế, trong đó tập trung thúc đẩy phát triển, thu hút khách du lịch đến Quảng Ninh từ thị trường Đông Bắc Á và Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, phát triển thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông, Nga, Australia...; xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu Du lịch Quảng Ninh; đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá du lịch, trong đó chú trọng việc phối hợp với các doanh nghiệp lớn, uy tín để quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch tỉnh; tiếp tục rà soát, đánh giá và chuẩn hóa các tổ chức đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ; đảm bảo môi trường du lịch.
Năm 2024, tỉnh xây dựng 186 chương trình, sự kiện, hoạt động kích cầu, xúc tiến, quảng bá du lịch theo từng tháng, trong đó có 26 chương trình, sự kiện, hoạt động quy mô quốc tế, quốc gia, cấp tỉnh và 160 chương trình, sự kiện, hoạt động cấp địa phương; dự kiến sẽ có 62 sản phẩm du lịch đưa vào khai thác./.