Ngày 31/12/2021, sau hai năm sát cánh cùng các thành viên khác, Việt Nam đã hoàn thành trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với nhiều dấu ấn quan trọng.
(TTXVN) Ngày 31/12/2021, Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với nhiều dấu ấn quan trọng. Đây là thành tựu lớn của công tác đối ngoại, khẳng định vị thế và tầm vóc mới của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hai năm qua, tình hình chính trị-an ninh, kinh tế - xã hội quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường với những thách thức "chưa từng có tiền lệ”, nhất là ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020; cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt; căng thẳng kéo dài và gia tăng ở nhiều điểm nóng trên thế giới… Cùng với đó là hệ lụy đa chiều của các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia...
Trong bối cảnh đó, những đóng góp thực chất, thiết thực của Việt Nam vào công việc chung của Hội đồng Bảo an đã để lại nhiều dấu ấn về bản sắc và nghệ thuật đối ngoại đa phương Việt Nam, đóng góp lớn vào tổng thể triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước, cho khu vực.
Hai năm nhiệm kỳ của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an đã trở thành một dấu son chói lọi trong cuốn sách đối ngoại đa phương của đất nước ta; để từ đó, Việt Nam tiếp tục vững bước, tỏa sáng trên con đường hội nhập quốc tế sâu rộng. Dịp này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm ba bài viết về hành trình hai năm đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 của Việt Nam - Đối tác vì hòa bình bền vững.
Bài 1: Định vị bản sắc Việt Nam
Ngày 31/12/2021, sau hai năm sát cánh cùng các thành viên khác, Việt Nam đã hoàn thành trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với nhiều dấu ấn quan trọng.
Cũng trong hành trình hai năm tại sân chơi quốc tế quan trọng này, những nỗ lực không ngừng nghỉ của lãnh đạo các cấp, những cán bộ ngoại giao tại Việt Nam cũng như ở New York (Hoa Kỳ) đã tạo nên bản sắc riêng của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; một bản sắc được định vị với nhiều dấu ấn và bài học kinh nghiệm sâu sắc, tạo nên giá trị và uy tín lâu dài cho Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Bản lĩnh và trách nhiệm
Tham gia Hội nghị tổng kết hai năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 theo hình thức trực tuyến từ New York (Hoa Kỳ), vị “thuyền trưởng” của Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đặng Đình Quý, người được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gọi là “Người ở chiến trường”, chia sẻ, Việt Nam có vốn chính trị rất lớn với lịch sử chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, thống nhất đất nước, là thành công của sự nghiệp đổi mới và đường lối đối ngoại hòa bình, sẵn sàng làm bạn-đối tác của nhiều nước. Nhưng vốn chính trị ấy sẽ “ngủ yên” nếu không có sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của lãnh đạo các cấp trong suốt hai năm qua.
Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, hai năm qua, có nước thành viên Hội đồng Bảo an đã thay đại sứ, trưởng phái đoàn hai lần trong 7 tháng nhưng Phái đoàn Việt Nam luôn nhận được sự tin tưởng, bảo vệ của lãnh đạo các cấp. Điều này là nhân tố rất quan trọng tạo nên bản lĩnh cho cán bộ ngoại giao, làm cho mọi cán bộ Phái đoàn ý thức được trách nhiệm cao hơn, nỗ lực lớn hơn trong thực hiện nhiệm vụ.
Làm việc với nguyên tắc bình thông nhau, hai năm qua, Phái đoàn và Tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nòng cốt là Vụ các tổ chức quốc tế cùng một số đơn vị của Bộ Ngoại giao đã làm việc không ngừng nghỉ. Khi Phái đoàn ngủ, Tổ công tác nghiên cứu tài liệu, thu thập, phân tích thông tin, chuẩn bị lập luận, trình xin chủ trương để buổi sáng ở New York, Phái đoàn có đủ thông tin định hướng, sẵn sàng tham gia trao đổi, đàm phán. "Sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ này đã biến sự bất tiện về chênh lệch múi giờ trở thành cơ hội, để hai bên bổ sung cho nhau, nhờ đó, thời gian làm việc tại Hội đồng Bảo an của Việt Nam là 24/7", Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết.
Ngoài ra, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước thành viên của Hội đồng Bảo an đã cung cấp thông tin rất kịp thời về các diễn biến trên thực địa, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Phái đoàn trong xử lý song phương với sở tại về các vấn đề liên quan; qua đó góp phần quan trọng giúp Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc triển khai hiệu quả định hướng song phương với đa phương trong suốt nhiệm kỳ.
Khẳng định tham gia "chiến dịch lớn" tại Hội đồng Bảo an là "nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng là cơ hội hiếm có", Đại sứ Đặng Đình Quý đã chia sẻ 4 bài học tác nghiệp trong hai năm qua.
Đó là bài học về chọn thời điểm và tranh thủ thời cơ. Việt Nam chọn nhiệm kỳ 2020-2021 và quá trình vận động để Việt Nam là ứng viên ứng cử duy nhất của nhóm châu Á - Thái Bình Dương là nhân tố rất quan trọng dẫn đến thắng cử với số phiếu kỷ lục, 192/193 phiếu bầu.
Đó còn là bài học về định hướng sáng tạo. Theo Đại sứ, tháng 1/2020, khi Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an cũng là tháng Liên hợp quốc kỷ niệm 75 năm thành lập. Thách thức đã trở thành cơ hội khi Việt Nam chọn chủ đề của Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng là “Kỷ niệm 75 năm Liên hợp quốc: Tuân thủ Hiến chương để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Cuộc thảo luận với chủ đề này đã tạo kỷ lục với 111 diễn giả phát biểu.
Một bài học nữa, theo Đại sứ, Việt Nam đã phát huy vị thế thành viên Hội đồng Bảo an, được xác lập bằng những đóng góp tích cực cho công việc chung của cộng đồng quốc tế và được ghi nhận qua số phiếu bầu hoặc mức độ ủng hộ các sáng kiến tại Đại hội đồng và các diễn đàn khác. Đại sứ cho rằng: “Nếu chúng ta tiếp tục phát huy được những sáng kiến, sản phẩm của chúng ta trong hai năm qua về Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh; Nhóm bạn bè Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thì những sáng kiến, nghị quyết mang dấu ấn Việt Nam sẽ sống mãi với lịch sử Liên hợp quốc và sống mãi với lịch sử nhân loại".
Bài học tác nghiệp tiếp theo, theo Đại sứ Đặng Đình Quý là khai thác các bài học lịch sử trong bối cảnh mới; đưa kinh nghiệm tái thiết của Việt Nam vào các vấn đề của Hội đồng Bảo an, nhờ đó, sáng kiến của Việt Nam đã trở thành Nghị quyết 2573 của Hội đồng Bảo an về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang.
Riêng với Đại sứ Đặng Đình Quý, bài học quan trọng nhất với ông chính là bài học về phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao tâm công, tranh thủ trái tim mọi người. “Việt Nam nhận được 192 lá phiếu bầu cũng là 192 lá phiếu trao trách nhiệm. Làm việc tại Hội đồng Bảo an là làm việc với các nước lớn, các đối tác quan trọng hàng đầu, nhưng chúng ta cũng phải đại diện cho lợi ích của đa số các nước vừa và nhỏ. Hai ngày trước khi chúng ta bắt đầu nhiệm kỳ, Đại sứ Paraguay nói với tôi là: Các ông vào Hội đồng Bảo an thì đừng quên chúng tôi. Điều này có nghĩa bóng là phải luôn nhớ đến lợi ích của các bạn khi phát biểu hay xác định lập trường còn nghĩa đen là vẫn phải tiếp tục có mặt ở tất cả các sự kiện của các bạn”, Đại sứ chia sẻ.
"Hai năm qua, đối với tất cả các nước, khi đấu tranh, khi hợp tác, chúng ta đều tôn trọng đối tác, giữ nguyên tắc nhưng có tình, có lý. Tôi nghĩ rằng ở Hà Nội, ở thủ đô các nước, trong các cuộc trao đổi liên quan đến công việc của Hội đồng Bảo an, các đại diện Việt Nam đều đã làm như vậy. Cảm nhận chung của các thành viên Phái đoàn là sau hai năm, các nước lớn nể Việt Nam hơn, bạn bè đối tác quý Việt Nam hơn”, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định.
Dấu ấn và bản sắc Việt Nam
Tại Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020- 2021, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Với thông điệp xuyên suốt là “Đối tác vì một nền hòa bình bền vững”, Việt Nam đã tham gia Hội đồng Bảo an với một tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, cân bằng, minh bạch, đề xuất nhiều sáng kiến, đóng góp thực chất vào công việc của Hội đồng Bảo an.
Điểm lại những dấu ấn nổi bật của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam đã ghi đậm 5 dấu ấn lớn trong hai năm quan trọng này.
Theo đó, Việt Nam đã góp phần thúc đẩy cách tiếp cận đa phương, kiên trì đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Trong điều hành, xử lý các công việc chung, Việt Nam luôn thúc đẩy không khí đồng thuận, đối thoại, hợp tác, vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Tiêu biểu là trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020, Việt Nam đã chủ trì Phiên thảo luận mở về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, thúc đẩy Hội đồng Bảo an thông qua Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên về Hiến chương Liên hợp quốc, góp phần đề cao giá trị và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Sự kiện này đã thu hút sự tham dự của 111 diễn giả, là số lượng cao kỷ lục tại Hội đồng Bảo an, cho thấy Việt Nam đã lựa chọn “đúng” và “trúng” chủ đề, được đông đảo cộng đồng quốc tế hưởng ứng, ủng hộ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã đánh giá dường như “các nước bớt tranh cãi hơn” khi Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an.
Cùng với đó, Việt Nam đã thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp bền vững, toàn diện cho xung đột, trong đó có cả xử lý hậu quả xung đột, hướng tới phát triển lâu dài của quốc gia. Từ kinh nghiệm tái thiết đất nước của mình, Việt Nam đã hướng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến những hậu quả lâu dài của xung đột với cuộc sống của người dân và an ninh, phát triển của các quốc gia, trong đó có vấn đề bom mìn còn sót lại sau xung đột.
Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4/2021, Việt Nam đã thúc đẩy thông qua Tuyên bố Chủ tịch của Hội đồng Bảo an nhấn mạnh nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế để chung tay giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh đối với an toàn và sinh kế của người dân, cộng đồng.
Việt Nam cũng thúc đẩy tinh thần nhân văn, nhân ái, hướng tới người dân, tăng cường bảo vệ thường dân trong xung đột, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em một cách thực chất bằng việc chủ trì thúc đẩy thông qua Nghị quyết 2573 - Nghị quyết riêng đầu tiên của Hội đồng Bảo an về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân trong xung đột như trường học, bệnh viện, hạ tầng điện nước.
Nghị quyết này đã được cả 15 nước Hội đồng Bảo an đồng bảo trợ... Cũng xuất phát từ quan điểm nhân văn đó, Việt Nam đã luôn kiên định lập trường ủng hộ gia hạn cơ chế cứu trợ nhân đạo xuyên biên giới tại Syria cho dù đây là vấn đề gây tranh cãi, các nước có quan điểm khác nhau, nhất là các nước lớn.
Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như đề cao vai trò trung tâm và sự hiện diện của ASEAN tại Hội đồng Bảo an.
Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an về hợp tác với ASEAN, chủ động triệu tập cuộc họp của Hội đồng Bảo an về Myanmar vào ngày 30/4/2021 để Chủ tịch ASEAN thông tin cho Hội đồng Bảo an về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN vừa diễn ra trước đó, khẳng định nỗ lực, vai trò trung tâm của ASEAN trong hỗ trợ ổn định tình hình ở Myanmar. Với những nỗ lực của Việt Nam, ASEAN đã tham dự và thông tin tại tất cả các cuộc họp của Hội đồng Bảo an về Myanmar.
Đồng thời, Việt Nam đã chủ động đề xuất các giải pháp toàn cầu về nhiều vấn đề toàn cầu, nhất là xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh biển, ứng phó với dịch bệnh.
Tại cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an về an ninh biển (tháng 8/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu sáng kiến thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do Liên hợp quốc điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung, được rất nhiều đối tác hoan nghênh.
Về ứng phó với dịch COVID-19, tại cuộc họp Hội đồng Bảo an tháng 2/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh kêu gọi bảo đảm tiếp cận vaccine cho tất cả các nước với giá cả phù hợp và ưu tiên cho nhóm dân số có nguy cơ lây nhiễm cao, bước đầu tạo cơ sở cho đẩy mạnh ngoại giao vaccine.
Bên cạnh đó, nước ta cũng có nhiều đóng góp rất thiết thực khác như đề xuất sáng kiến Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh, khởi xướng thành lập Nhóm Bạn bè của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (hiện có 113 quốc gia tham gia). Đặc biệt, Việt Nam đã tăng cường cử lực lượng tới các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Với những dấu ấn nói trên, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng, là một bước đi góp phần tích cực triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả cũng như chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị 25 của Ban Bí thư.
Việc đảm nhiệm thành công vai trò này góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia- dân tộc, nhất là tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Cùng với đó, nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín đất nước, thể hiện hình ảnh Việt Nam bản lĩnh, giữ vững nguyên tắc, nhưng mềm dẻo, linh hoạt, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, luôn đặt người dân vào trung tâm của phát triển.
Chia sẻ điều tâm đắc nhất của mình trong nhiệm kỳ Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an vừa qua, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, Việt Nam đã thể hiện rõ nét bản sắc riêng khi tham gia công việc của Hội đồng Bảo an. Đây là sân chơi quốc tế quan trọng và bản sắc là yếu tố định vị Việt Nam, tạo nên giá trị và uy tín lâu dài cho Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Bản sắc của Việt Nam có thể gói gọn trong logo cũng như thông điệp: “Đối tác vì hòa bình bền vững”. Trong các hoạt động tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã truyền tải thông điệp về một đất nước đổi mới, năng động, nhân văn, sẵn sàng đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng của thế giới.
Việt Nam đề cao cách tiếp cận toàn diện trong giải quyết các thách thức về hòa bình, an ninh. Các giải pháp được Việt Nam ủng hộ thúc đẩy đều căn cứ trên luật pháp quốc tế, đặt người dân và sinh kế của họ ở vị trí trung tâm, chú trọng mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình, từ khâu ngăn ngừa, giải quyết đến tái thiết hậu xung đột và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột.
Theo Bộ trưởng, bản sắc riêng được Việt Nam thể hiện là luôn hướng tới thúc đẩy đồng thuận chung, hợp tác đối thoại, giảm căng thẳng đối đầu. Việt Nam cũng bàn thảo tất cả vấn đề trong chương trình nghị sự với tinh thần tích cực, chú trọng quan điểm của các nước liên quan trực tiếp.
Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an hoặc Chủ tịch của các cơ chế trực thuộc, Việt Nam luôn lắng nghe, tìm điểm đồng, giải quyết thỏa đáng quan tâm của các nước liên quan; do đó, tạo nên bản sắc trong quá trình tham gia./.