UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành, địa phương đồng hành với doanh nghiệp, gỡ khó trong đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là giải quyết tình trạng chồng chéo do liên quan đến sử dụng đất, hoàn thiện thủ tục thuê đất...
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Lào Cai cho biết, trước những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành, địa phương đồng hành với doanh nghiệp, gỡ khó trong đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là giải quyết tình trạng chồng chéo do liên quan đến sử dụng đất, hoàn thiện thủ tục thuê đất, vị trí đổ thải cho các các dự án. Tỉnh Lào Cai cũng đã thành lập các tổ công tác, tổ giúp việc, tiến hành rà soát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc; yêu cầu từ nay đến tháng 6/2024 phải tháo gỡ khó khăn để các dự án đã được cấp phép có thể thi công.
* Tháo nút thắt cho doanh nghiệp
Từ đầu năm 2024 đến nay, dù thị trường tiêu thụ một số sản phẩm công nghiệp chủ lực đang khởi sắc nhưng lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Lào Cai vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, tỉnh Lào Cai đang quyết liệt chỉ đạo, tìm giải pháp tháo nút thắt cho từng lĩnh vực nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Cùng với đó, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thiện các thủ tục, trình tự thuê đất theo quy định. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các khu, cụm công nghiệp để kêu gọi các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm.
Tỉnh Lào Cai cũng tích cực cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản. Có cơ chế rút ngắn thời gian điều chỉnh về quy hoạch đất cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư. Tỉnh yêu cầu sở, ngành, chính quyền địa phương tập trung quan tâm, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng sát với yêu cầu về tiến độ và quy định.
Ngoài ra, ngành công thương Lào Cai cũng chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; trong đó, tập trung hai lĩnh vực chính của tỉnh là khai thác, chế biến khoáng sản và thủy điện. Ngành rà soát đầy đủ và chi tiết tới từng dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng chiếm 45% trong cơ cấu kinh tế và giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng
* Vướng mắc về thủ tục pháp lý
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, phần lớn các đơn vị đều gặp khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý về đất đai. Cá biệt có những đơn vị phải tạm dừng sản xuất hoặc chưa đảm bảo tiến độ triển khai dự án và việc chấp hành quy trình quy phạm trong khai thác mỏ lộ thiên theo thiết kế được phê duyệt. Một số dự án mất cân đối về tài chính, khó khăn trong việc định chỉnh công nghệ. Một số đơn vị đang trong thời gian khắc phục sự cố và khắc phục các tồn tại về hồ sơ pháp lý có liên quan.
Đặc biệt, qua rà soát của ngành chức năng, hiện chỉ có 7/13 khai trường quặng Apatit tại Lào Cai đang khai thác, chưa kể một số khai trường dù hoạt động, nhưng khai thác không đảm bảo công suất, do vướng mắc liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, vị trí đổ thải. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp. Ông Hoàng Kiên Quyết, Giám đốc chi nhánh khai thác 2, Công ty Apatit Việt Nam chia sẻ, trải qua hơn 6 năm với rất nhiều khó khăn khai trường 19 mới có thể đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2024.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tổng diện tích mỏ là 120 ha mới giải phóng mặt bằng được 53ha; trong đó, mới được tỉnh Lào Cai cho khai thác 11,7 ha. Số còn lại do nhiều vướng mắc khác nhau đặc biệt là trong quá trình thực hiện giải phóng đền bù mặt bằng có 2,8 ha là đất rừng nên việc đền bù và giải phóng gặp muôn vàn khó khăn. Khắc phục khó khăn, đơn vị đã tiến hành khai thác tấn quặng đầu tiên ngày 19/3/2024. Hiện nay, để khai trường tiếp tục đi vào ổn định, đơn vị đã tiếp tục có đề nghị tỉnh Lào Cai vào cuộc hỗ giải quyết nốt vấn đề đất đai trong khu vực 53 ha của khai trường 19. Thiếu nguyên liệu đầu vào đã khiến nhiều nhà máy chỉ duy trì từ 60 - 80% công suất, ảnh hưởng đến giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Ở lĩnh vực thuỷ điện, các nhà máy đi vào vận hành cũng gặp khó trong việc nâng công suất do vẫn chờ kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII. Còn với 7 dự án đang thi công thì những vướng mắc liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng hay hạ tầng đấu nối cũng ảnh hưởng đến tiến độ. Theo Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh có 130 dự án thủy điện với tổng công suất 1.613,55 MW. Hiện có 73 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện với tổng công suất 1.148,85 MW.
Tỉnh Lào Cai cũng chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư lưới điện cao thế để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Hoàn thiện các thủ tục triển khai quy hoạch đấu nối các dự án thủy điện. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh./.