Hội nghị là tiền đề để tỉnh Tuyên Quang tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác khai thác và phát triển các sản phẩm thương mại, du lịch và làng nghề giữa tỉnh Tuyên Quang với các tỉnh, thành phố khác.
TTXVN - Ngày 26/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị kết nối đầu tư, thương mại, du lịch và làng nghề vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi Tuyên Quang 2024. Đây là một trong những sự kiện khởi động cho Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2024.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Tuyên Quang, các cơ hội đầu tư và các chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Hội nghị là tiền đề để tỉnh Tuyên Quang tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác khai thác và phát triển các sản phẩm thương mại, du lịch và làng nghề giữa tỉnh Tuyên Quang với các tỉnh, thành phố khác. Qua hội nghị, tỉnh Tuyên Quang mong muốn có thêm nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư; mong muốn nhận được ý kiến đóng góp để tỉnh Tuyên Quang ngày càng phát triển.
Các đại biểu đã tham gia thảo luận, chia sẻ nhiều ý kiến, đóng góp giúp Tuyên Quang khai thác tiềm năng thế mạnh, sản phẩm du lịch làng nghề, tạo cơ hội hợp tác đầu tư phát triển thương mại, du lịch và tiêu thụ sản phẩm của Tuyên Quang.
Anh Đỗ Nguyễn Hoàng Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đầu bếp trẻ Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội ẩm thực Việt Nam chia sẻ, Tuyên Quang có nhiều món ăn ngon, đặc sắc. Qua trải nghiệm thực tế, anh Long nhận thấy nhiều món ăn của tỉnh Tuyên Quang chỉ cần thay đổi phương pháp chế biến sẽ giúp cho món ăn mang tính toàn cầu hơn để phục vụ du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến với Tuyên Quang. Đồng thời, tỉnh cũng cần đẩy mạnh quảng bá những món ăn truyền thống đặc sắc của địa phương, giới thiệu về các vùng nguyên liệu ẩm thực đa dạng, sẵn có của Tuyên Quang để du khách cũng như đầu bếp nổi tiếng đến trải nghiệm.
Bà Nguyễn Nga, Kiến trúc sư quy hoạch đô thị, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Bảo tàng Cầu Long Biên cho biết, để khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị sẵn có, tỉnh cần có những phương pháp cụ thể, xác định trọng tâm, xây dựng từng loại hình du lịch và xác định các nhóm khách hàng phù hợp với từng loại hình... Bên cạnh đó, tích cực học hỏi và rút kinh nghiệm trong việc khai thác và phát triển các tiềm năng của các địa phương khác; đồng thời dựa vào chính người dân tại các địa phương trong tỉnh để phát huy các tiềm năng, lợi thế...
Tại Hội nghị, tỉnh Tuyên Quang đã ký kết các thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm thương mại giữa tỉnh Tuyên Quang với các tỉnh An Giang, Lào Cai; thỏa thuận hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch và làng nghề giữa tỉnh Tuyên Quang và Tập đoàn Central Retail./.
- Từ khóa:
- dân tộc thiểu số
- đầu tư
- thương mại
- du lịch
- làng nghề