700 đại biểu sẽ cùng hội tụ để chia sẻ kinh nghiệm, tìm các giải pháp phù hợp giúp ngành Nước Việt Nam phát triển bền vững.
Hội nghị "Tuần lễ ngành Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2022"do Hội Cấp thoát nước Việt Nam sẽ được tổ chức từ ngày 9 -11/11/2022 tại Hà Nội.
Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất ngành Nước trong năm 2022 được bảo trợ bởi Bộ Xây dựng, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và đã nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành. Đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện là Công ty Cổ phần Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (Vietfair).
Đến nay, đã có hơn 700 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, lãnh đạo các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực cấp, thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường tại Việt Nam cùng nhiều tổ chức ngành Nước ở nhiều quốc gia đăng ký tham dự.
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cấp thoát nước Việt Nam chia sẻ: Sự kiện diễn ra trong bối cảnh ngành Nước của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, từ những yêu cầu ngày một cao về chất lượng nước sạch, cấp nước an toàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế đến những tác động của quá trình đô thị hóa tăng nhanh, sự ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…
Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đã được ban hành trên 15 năm, Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, các văn bản dưới luật đến nay không còn phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong khi đó, nhiều vấn đề quan trọng của ngành Nước lại chịu sự quản lý chồng chéo của các luật khác như Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Đầu tư… Để tạo một hành lang pháp lý giúp ngành Nước phát triển ổn định, bền vững, Chính phủ đã đưa dự án xây dựng Luật Cấp, Thoát nước vào Chương trình hành động nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ngoài ra, những vấn đề bất cập về nước sạch cho nông thôn, những khoảng trống cần lấp đầy để thu hút khối tư nhân tham gia vào hoạt động thoát nước và xử lý nước thải, đòi hỏi phải có sự tham vấn giữa các doanh nghiệp ngành Nước và các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc chia sẻ những kinh nghiệm quản lý, giới thiệu những công nghệ mới trong Hội nghị này là một phần quan trọng để các doanh nghiệp ngành Nước của Việt Nam có cơ hội nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng, nhưng đặc biệt hơn là việc đưa ngành Nước tiếp cận với các yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế về dịch vụ cung cấp nước sạch.
Trong Hội nghị này, bên cạnh việc thảo luận những vấn đề về chính sách cho phát triển bền vững ngành Nước, chương trình sự kiện còn nhằm giới thiệu công nghệ mới của nhiều công ty trong và ngoài nước. Các công ty hội viên như Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh hay DNP… sẽ trưng bày, giới thiệu những sản phẩm mới, cách tiếp cận và giải pháp mới.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), một điểm đặc biệt trong sự kiện này và cũng là lần đầu tiên trong chương trình hội nghị của ngành Nước, Hội Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức xét và trao thưởng cho 10 đồ án tốt nghiệp xuất sắc về cấp thoát nước, quy hoạch kỹ thuật hạ tầng và công nghệ môi trường trong số hàng chục đồ án gửi dự thi từ các trường đại học, các cơ sở đào tạo trong cả nước.“Việc trao giải đồ án tốt nghiệp xuất sắc cho sinh viên, vinh danh các thầy cô giáo, các trường đại học đào tạo ngành Nước trong tháng 11, tháng vinh danh nghề Giáo, là một việc làm ý nghĩa, là nguồn động viên to lớn trong việc đào tạo nhân lực cho ngành Nước. Giải thưởng này sẽ trở thành giải thưởng truyền thống hàng năm, giúp khuyến khích lớp trẻ dấn thân phục vụ ngành Nước”, Giáo sư Việt Anh nhấn mạnh.
Tham dự Tuần lễ Nước Việt Nam 2022, nhiều tổ chức quốc tế như JICA, Ngân hàng Thế giới, hiệp hội Nước từ các quốc gia có công nghệ xử lý nước tiên tiến như Anh, Australia, Đức, Hungary, Phần Lan… dự kiến sẽ mang tới Hội nghị một luồng thông tin mới trong các phần thảo luận với VWSA và các đơn vị trong nước, chia sẻ kinh nghiệm cùng những khó khăn thách thức, tìm các giải pháp phù hợp nhằm giúp ngành Nước Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.
“Vấn đề thể chế, chính sách, với trọng tâm là dự án xây dựng Luật Cấp, Thoát nước, không chỉ là vấn đề cơ bản và tiên quyết trong việc giải quyết những khó khăn và thách thức mà Hội Cấp thoát nước Việt Nam và các hội viên đang phải đối mặt, mà còn là chủ đề được các tổ chức quốc tế quan tâm, sẵn sàng trợ giúp”, Tiến sỹ Trần Anh Tuấn chia sẻ./.