Thời sự

Đột phá theo Nghị quyết 57: Cơ hội bứt phá, phát triển khoa học, công nghệ

TP. Hồ Chí Minh

Nghị quyết 57 là cơ hội rất lớn để Đại học Quốc gia Thành phố bứt phá trong thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ.

Chia sẻ tại Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 7/2, các đại biểu kỳ vọng, những đột phá của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về "đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" sẽ được thể chế hóa trong Luật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ.

Nhiều đại biểu đánh giá, dự thảo Luật chưa có những điểm mới như kỳ vọng và thiếu bao trùm cho mọi tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học trong thời kỳ phát triển khoa học rất nhanh, hiện đại như hiện nay. Thực tế, dự thảo Luật được xây dựng từ trước khi Nghị quyết 57 được ban hành. Vì thế có những nội dung chưa thể hiện được tinh thần đột phá của Nghị quyết.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với tiềm lực về khoa học, công nghệ và đào tạo nhân lực mạnh nhất ở khu vực phía Nam, Nghị quyết 57 là cơ hội rất lớn để Đại học Quốc gia Thành phố bứt phá trong thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ. Ý kiến đóng góp của các đại biểu đã hướng đến việc tích hợp, thể chế hóa Nghị quyết 57 vào trong dự thảo Luật.

Trao đổi tại tọa đàm, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần có những điều chỉnh mang tính đột phá hơn, tập trung vào ưu đãi thuế mạnh mẽ và hỗ trợ tài chính linh hoạt hơn cho doanh nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp; cải thiện chính sách nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thu hút nhân tài. Luật cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa từ sản phẩm nghiên cứu của họ thông qua thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc doanh nghiệp thuộc đại học. Đồng thời cần có các điều khoản liên quan chiến lược trọng điểm của quốc gia về trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng cao, vật liệu... để làm cơ sở pháp lý cho sự phát triển. Luật cũng nên có quy định cụ thể, phù hợp đối với hoạt động của một tạp chí khoa học, công nghệ.

Thể hiện tinh thần đột phá của Nghị quyết 57, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần đơn giản hóa thủ tục thanh quyết toán trong nghiên cứu khoa học. Thực tế hiện nay, người nghiên cứu gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các thủ tục, quy trình quyết toán đề tài nghiên cứu. Theo các đại biểu, nên áp dụng nguyên tắc khoán trong nghiên cứu khoa học. Nếu chưa triển khai đại trà thì có thể thực hiện nguyên tắc khoán với một số đề tài, công trình trọng điểm.

Đề cập đến việc huy động nguồn lực xã hội cho khoa học, công nghệ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, các quy định về tài chính và đầu tư cho kho học công nghệ trong dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến chi ngân sách mà chưa bao quát bình quân đầu tư cho khoa học công nghệ từ các nguồn khác nhau chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của quốc gia (trong đó, nguồn từ ngân sách Nhà nước và nguồn từ huy động xã hội ngoài Nhà nước là bao nhiêu). Dự thảo Luật cần đề cập cụ thể hơn về vấn đề này để từ đó có chính sách huy động nguồn lực xã hội.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, dự thảo Luật cần có các điều khoản quy định về cơ chế đặc thù cho hai Đại học quốc gia và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, bởi đây là những trụ cột trong hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể như: trao quyền tự chủ cao hơn; hỗ trợ xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như: trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, y sinh học, năng lượng tái tạo.../.

Lý Thu Hoài

Tin liên quan

Xem thêm