Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ là điểm sáng, gỡ khó cho những “tài năng” công nghệ trong và ngoài nước được phát huy và cống hiến xây dựng quê hương.
Sau 8 năm học tập, làm việc tại Australia, Tiến sĩ ngành Kỹ thuật hàng không Trần Phi Vũ mong muốn đem tất cả kiến thức, kinh nghiệm để góp phần thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Với anh, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ là điểm sáng, gỡ khó cho những “tài năng” công nghệ trong và ngoài nước được phát huy và cống hiến xây dựng quê hương.
Lập bản đồ số cho các cánh đồng
Trong quá trình học tập và làm việc tại Australia, Tiến sĩ Trần Phi Vũ, Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam tại Australia, giảng viên Đại học New South Wales, Giám đốc khoa học Công ty cổ phần JWC Lab Inc., đánh giá, 2 lĩnh vực Australia làm rất tốt, đó là giáo dục và nông nghiệp tiên tiến.
Đối chiếu tại Việt Nam, anh Vũ chia sẻ, việc sử dụng phun thuốc bảo vệ thực vật bằng tay hiện nay ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người nông dân và mất rất nhiều thời gian, công sức. Nếu phát triển thành công ứng dụng sử dụng máy bay không người lái (drone), người nông dân không chỉ bảo vệ được sức khỏe mà còn tiết kiệm thời gian làm nông.
Chính vì vậy, từ năm 2018, anh và R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) của JWC Lab Inc đã cùng các chuyên gia Mỹ và Australia, Pháp... tập trung vào mảng nông nghiệp thông minh tại Việt Nam. Sau 5 năm nghiên cứu, các thiết bị bay không người lái có khả năng khoanh vùng, chẩn đoán bệnh cho cây trồng được thiết kế và thử nghiệm thành công.
Theo đó, drone cao 0,54 m, trang bị 6 cánh quạt với sải cánh 1,6m; được gắn camera độ phân giải cao bay trên cánh đồng để thu thập dữ liệu hình ảnh. Các dữ liệu này được đưa vào phần mềm quản lý, dựa trên phân tích đa quang phổ để tạo ra hình ảnh NDVI (chỉ số thực vật). Với thiết bị drone, việc phun thuốc giúp nhanh hơn 28 lần việc phun thuốc bằng tay. Với 2 ha chỉ cần 10 phút để phun toàn bộ. Việc phun bằng ly tâm đều và nhanh giúp tránh lãng phí thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm khoảng 15% lượng phân bón và 60-70% lượng nước.
Về ứng dụng "bắt bệnh" cây trồng, Tiến sĩ Vũ cho biết, hình ảnh cây bệnh ghi nhận từ drone được đưa vào các phần mềm và sử dụng thuật toán AI phân tích, so sánh, đối chiếu với dữ liệu bệnh đã được lập trình sẵn; từ đó nhanh chóng phát hiện bệnh của cây và đưa ra phương hướng phun thuốc và xử lý bệnh kịp thời. Tiến sĩ Vũ giải thích: “Những cây khỏe mạnh sẽ có hàm lượng chất diệp lục cao, xanh hơn; ngược lại, nếu cây yếu, hàm lượng diệp lục sẽ giảm. Qua đó, người làm nông nhận diện, khoanh vùng cây bệnh. Với lợi thế gọn, nhẹ kết hợp đặc tính linh động của UAV, drone có thể hoạt động ở mọi địa hình, rất linh hoạt".
Nhóm đã xây dựng khung dữ liệu hình ảnh với nhiều loại bệnh khác nhau: xoăn vàng lá của cây cà chua, bệnh rầy nâu ở lúa... Khung dữ liệu càng dày sẽ giúp phát hiện đa dạng các loại bệnh cho cây trồng và gia tăng độ chính xác chẩn đoán. "Đến nay, sau khi thử nghiệm trên cây lúa, drone xác định bệnh chính xác lên tới khoảng 80%", Tiến sĩ Vũ chia sẻ.
Đáng chú ý, anh Vũ và R&D của JWC Lab Inc sử dụng AI, blockchain, phần mềm… để khảo sát và lập bản đồ số cho các cánh đồng. Việc số hóa từng cánh đồng, vùng khu vực dựa theo thống kê năng suất cũng giúp người nông dân dễ dàng thống kê số liệu từng mùa vụ, đồng thời truy xuất nguồn gốc minh bạch hơn.
"Tuy nhiên, trên thực tế, không phải người nông dân Việt Nam nào cũng có thể trực tiếp sử dụng và bảo trì máy bay không người lái. Vì vậy, nền tảng Drone-as-a-Service (DaaS™) chính thức được phát triển nhằm cung cấp một dịch vụ thân thiện với người dùng theo hình thức trả phí theo nhu cầu", anh Vũ nói.
Thông qua một ứng dụng di động đơn giản, nông dân có thể lên lịch phun thuốc trừ sâu bằng cách chỉ định yêu cầu cụ thể về ngày, giờ và địa điểm...; hoạt động tương tự như hệ thống thanh toán điện, nước... Mô hình này đảm bảo tính kinh tế và dễ tiếp cận, cho phép nông dân tập trung vào các hoạt động nông nghiệp cốt lõi trong khi tận dụng công nghệ drone tiên tiến.
Từ dự án này, Tiến sĩ Vũ đã đạt nhiều giải thưởng như "Giải thưởng Đổi mới và Khởi nghiệp", Giải Nhất trong cuộc thi "Dự án Đổi mới Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI)" tại Thành phố Hồ Chí Minh...
“Với cam kết mạnh mẽ phấn đấu đạt Net Zero 2050, Việt Nam rất cần ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển nông nghiệp sạch, xanh, và bền vững. Đến năm 2030, Việt Nam đã phải đảm bảo các mục tiêu này, nếu không sẽ không được xuất khẩu nông nghiệp sang thị trường châu Âu, Mỹ... Đây là nhu cầu rất bức thiết mà chúng ta phải hành động ngay. Quan trọng nhất, chúng tôi muốn giải thích và truyền đi thông điệp về phát triển bền vững (ESG) với các công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp, định hình tư duy và có kế hoạch phát triển", Tiến sĩ Vũ cho biết.
Phát triển các "vườn ươm khoa học-công nghệ"
Hiện tại, Tiến sĩ Trần Phi Vũ và Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Luận, CEO của JWC Lab (là nhà khoa học, doanh nhân Việt kiều Mỹ) đang phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các dự án khoa học, công nghệ; lập những vườn ươm khoa học-công nghệ, tập trung vào 9 lĩnh vực công nghệ then chốt; đề xuất các chính sách phù hợp với Thành phố để thu hút các chuyên gia, start-up...
Anh Trần Phi Vũ nhận định, Việt Nam đang có tiềm lực rất lớn phát triển khoa học, công nghệ.
Theo anh, trước đây, công nghệ 3.0 chủ yếu liên quan về phần cứng, rất khó để có thể ứng dụng công nghệ cốt lõi, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, công nghệ 4.0 chủ yếu liên quan đến phần mềm như blockchain và AI... "Phần mềm đòi hỏi tính mở giữa các quốc gia trong việc chia sẻ dữ liệu, do đó Việt Nam có cơ hội rất tốt để ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ", Tiến sĩ Trần Phi Vũ nói.
Tuy nhiên, anh cho rằng, còn một số rào cản cần thiết phải tháo gỡ, đó là về chính sách, hành lang pháp lý liên quan đến khoa học-công nghệ. Ví dụ, hiện chưa có quy định đầu tư cụ thể về Blockchain, AI, công nghệ tiên tiến như drone... để các doanh nghiệp có thể đầu tư và phát triển.
“Đến Nghị quyết 57- “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh "phải rất khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách". Đây là vấn đề tôi rất quan tâm và tâm đắc", kiều bào Australia nhận định.
Theo anh, Australia có rất nhiều "vườn ươm khoa học-công nghệ". Do đó, chúng ta cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học có thể ứng dụng được những khoa học, công nghệ của họ vào Việt Nam; có một cơ quan quản lý những khoa học, công nghệ đó và có tầm nhìn ngắn hạn, dài dạn để đưa thành tựu phát triển đến cuối cùng.
Cùng với đó là thành lập, khuyến khích các "vườn ươm khoa học công nghệ" phát triển để các doanh nghiệp, chuyên gia, start up có nơi để "bắt đầu" thu hút khoa học, công nghệ về và tạo ra hệ sinh thái trong chính vườn ươm đó.
"Với ưu điểm nổi trội của nhân lực Việt Nam là thông minh, sáng tạo, điều quan trọng nhất là nắm được cơ hội, tiếp cận khoa học công nghệ hay không. Khoa học công nghệ thay đổi rất nhanh, từng ngày, các bạn trẻ phải hòa nhập, ứng dụng được khoa học, công nghệ tiên tiến để phát triển bản thân, nếu không sẽ bị tụt lùi", anh Vũ nhấn mạnh./.