Khoa học

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển

Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong Luật hiện hành, từ đó, xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi hơn.

Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Hội thảo “Góp ý Hồ sơ dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 21/1 tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các cơ quan chức năng.

Tại Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong Luật hiện hành, từ đó, xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi hơn. Quá trình soạn thảo Luật được thực hiện khẩn trương, bám sát các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, đặc biệt tập trung vào việc tháo gỡ những điểm nghẽn lớn, nhất là cơ chế đầu tư tài chính.

Quang cảnh Hội thảo
Ảnh: Lý Thanh Hương- TTXVN

Ông Phan Xuân Dũng cho rằng, tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật, từ việc áp dụng các quy định chi tiết sang thiết kế khung pháp lý linh hoạt, tạo điều kiện để khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo đại diện Trung tâm con người và Thiên nhiên, việc phân định rõ loại hình tổ chức khoa học và công nghệ phi lợi nhuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đồng thời tăng khả năng hợp tác quốc tế và thu hút tài trợ. Đồng thời, đề nghị bổ sung các nội dung liên quan đến công nghệ xanh, phát triển bền vững và chuyển đổi số nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tiến sỹ Phạm Văn Tân, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nêu quan điểm, không cần thiết phải thêm thuật ngữ “Đổi mới sáng tạo” vào tên Luật vì nội hàm này đã nằm trong tên gọi "khoa học và công nghệ". Thay vào đó, sự đột phá nên nằm ở nội dung của văn bản.

Ông Phạm Văn Tân cũng đề nghị bổ sung các điều khoản liên quan đến chuyển đổi số để phù hợp với Nghị quyết 57-NQ/TW; quy định rõ tỷ lệ ngân sách nhà nước dành cho khoa học công nghệ, đảm bảo ít nhất 3% tổng chi ngân sách nhà nước, phù hợp với Nghị quyết; đồng thời nhấn mạnh việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Tiến sỹ Lê Công Lương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đề nghị Ban Soạn thảo xem xét lại bố cục của Dự thảo Luật để đảm bảo tính logic và khoa học. Cụ thể, một số điểm tại các Điều 47, Điều 48 và Điều 61 chưa được sắp xếp hợp lý. Ông đề xuất tách thành hai mục riêng cho từng loại hình tổ chức và bổ sung các nội dung cần thiết dành riêng cho tổ chức Đổi mới sáng tạo.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng đánh giá dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo có nhiều điểm tích cực, đặc biệt với các điều chỉnh rõ ràng liên quan đến nghiên cứu, phát triển công nghệ, hỗ trợ tổ chức và nhân lực, hợp tác quốc tế, cùng cơ chế thử nghiệm. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số nội dung cần được bổ sung để phù hợp hơn với bối cảnh thực tiễn hiện nay. Những góp ý này sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, tạo cơ sở vững chắc cho việc thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới./.

Lý Thị Thanh Hương

Tin liên quan

Xem thêm