Khoa học

Phát hiện loài ốc mới có tên Việt Nam là "Ốc nón Sơn Đoòng"

Nhóm nghiên cứu thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát hiện một loài ốc mới có tên khoa học là Calybium plicatus sp. nov., thuộc giống Calybium, họ Helicinidae, Bộ Cycloneritida, lớp Gastropoda, giới Animalia.

Loài mới có tên khoa học là Calybium plicatus sp. nov. được thu thập tại Hố sụt 1, Hang Sơn Đoòng, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam.
Ảnh: TTXVN phát

Trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu đa dạng sinh học hệ thống hang động Sơn Đoòng, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững” (mã số ĐTĐL.CN-113/21), nhóm nghiên cứu thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát hiện một loài ốc mới có tên khoa học là Calybium plicatus sp. nov., thuộc giống Calybium, họ Helicinidae, Bộ Cycloneritida, lớp Gastropoda, giới Animalia. Các nhà khoa học đã đặt tên Việt Nam cho loài ốc mới này là: “Ốc nón Sơn Đoòng”.

Theo mô tả, đây là loài động vật thân mềm chân bụng trên cạn mới cho khoa học thuộc giống Calybium Morlet, 1892. Loài mới có tên khoa học là Calybium plicatus sp. nov. được thu thập tại Hố sụt 1, Hang Sơn Đoòng, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Liên, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, chủ nhiệm đề tài chia sẻ, loài mới Calybium plicatus sp. nov. có hình dạng vỏ tương tự như loài Calybium massiei Morlet, 1892 nhưng khác ở chỗ có kích thước vỏ nhỏ hơn, thành đỉnh có sáu phiến đỉnh cách đều nhau. Đây là loài được ghi nhận đầu tiên về giống động vật thân mềm chân bụng trên cạn của Việt Nam.

“Loài mới được nhóm nghiên cứu đặt tên Việt Nam là “Ốc nón Sơn Đoòng”. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Ruthenica, tập 35, số 1 (2025) góp phần nâng cao giá trị khoa học và sự chú ý quốc tế đối với hệ sinh thái độc đáo của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Liên cho biết.

Đánh giá cao kết quả nghiên cứu này, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, đề tài đã đóng góp quan trọng về mặt khoa học, giúp Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có cơ sở thực hiện các biện pháp quản lý, bảo tồn và khai thác hang Sơn Đoòng và các hang động lân cận một cách bền vững và hiệu quả. Đặc biệt, đề tài đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tương đối đầy đủ cho hệ thống hang động Sơn Đoòng và vùng phụ cận. Đây là cơ sở khoa học quan trọng khẳng định giá trị ngoại hạng toàn cầu của hang Sơn Đoòng không chỉ ở khía cạnh về địa chất, cảnh quan hùng vĩ mà còn ở khía cạnh về đa dạng sinh học và các giá trị thẩm mỹ độc đáo, hiếm có.

Đây là loài được ghi nhận đầu tiên về giống động vật thân mềm chân bụng trên cạn của Việt Nam.
Ảnh: TTXVN phát

Hang Sơn Đoòng nằm giữa núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng của tỉnh Quảng Bình, được một người dân địa phương phát hiện lần đầu vào năm 1990. Năm 2009, Sơn Đoòng được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh khám phá và công bố là hang động lớn nhất hành tinh. Kể từ khi được công bố, hang Sơn Đoòng gây chấn động thế giới với kích thước khổng lồ đến khó tin và những kiến tạo hang động độc đáo không nơi nào có được.

Hiện nay, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ghi nhận 2.954 loài thực vật bậc cao, thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành (trong đó 111 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 121 loài trong Sách đỏ thế giới). Về động vật, ghi nhận 1.399 loài thuộc 835 giống, 289 họ, 66 bộ, 12 lớp, 4 ngành, (trong đó có 82 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 116 loài được ghi trong Sách đỏ thế giới)./.

Trần Diệu Thúy

Xem thêm