Phú Thọ từng bước xây dựng và phát triển hạ tầng số theo mô hình điện toán đám mây đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số
Năm 2024, toàn tỉnh đã thực hiện 3.394.803 văn bản gửi nhận trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành; 711.039 văn bản đi được phát hành trên trục liên thông Quốc gia. Việc gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh ước tính đã tiết kiệm trên 1,15 tỷ đồng/tháng cho ngân sách nhà nước.
Theo bản công bố kết quả Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ Chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2024 của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 5/21 đơn vị dẫn đầu trong bảng đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số các sở, ban, ngành; 5/13 địa phương dẫn đầu bảng đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số các huyện, thành, thị năm 2024. Năm đơn vị không thực hiện đánh giá, xếp loại do tính chất đặc thù của đơn vị gồm Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban dân tộc tỉnh.
Đạt được kết quả trên, đến nay, tỉnh đã có 96,42% đơn vị cấp sở, 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã đã bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tham mưu triển khai chuyển đổi số. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh được các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai theo chỉ đạo của các bộ, ngành. Kho dữ liệu và Cổng chuyển đổi số của tỉnh được triển khai xây dựng; tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến toàn tỉnh đạt 72,84%, tăng 14,49% so với năm 2022…
Bên cạnh đó, đến nay, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử, từng bước triển khai hợp đồng điện tử. Tỷ trọng kinh tế số ước đạt 12,5%. Cùng với đó, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản thanh toán điện tử chiếm 74,3%; hơn 1,3 triệu công dân có thẻ căn cước, căn cước công dân; gần 980.000 người có tài khoản định danh điện tử trên VNeID…
Tiếp tục nâng cao bảng đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh cho biết, địa phương đang tập trung xây dựng, hoàn thiện hạ tầng, đẩy mạnh phát triển các hệ thống thông tin, dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Tỉnh đảm bảo an toàn thông tin góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư doanh kinh trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, về hạ tầng số, tỉnh sẽ từng bước xây dựng và phát triển hạ tầng số theo mô hình điện toán đám mây; đầu tư nâng cấp Trung tâm dữ liệu số của tỉnh đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định, đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền số của tỉnh.
Về Chính quyền số, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai tổng thể các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến và sử dụng dịch vụ Bưu chính công ích, đặc biệt tại cấp xã. Tỉnh tiếp tục cập nhật, đồng bộ, hoàn thiện việc khai thác và sử dụng hiệu quả các hệ thống dùng chung của tỉnh như trung tâm điều hành thông minh của tỉnh (IOC), gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số, hệ thống họp trực tuyến, hệ thống thông tin báo cáo,… phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
Trong lĩnh vực dữ liệu số, Phú Thọ sẽ khai thác và sử dụng hiệu quả Kho dữ liệu và Cổng chuyển đổi số của tỉnh; thực hiện kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước của tỉnh; cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước tới người dân và doanh nghiệp tạo điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số
Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả các hệ thống nền tảng chuyển đổi số đã được triển khai; đồng thời nghiên cứu triển khai các nền tảng trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức, trợ lý ảo hỗ trợ rà soát văn bản quy phạm pháp luật, trợ lý ảo phục vụ người dân….
Với những giải pháp đề ra, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, Phú Thọ sẽ trở thành tỉnh có hạ tầng số thuộc nhóm dẫn đầu các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, làm cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo 100% hệ thống thông tin dùng chung kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng và liên thông 4 cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã; phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu 100% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đến năm 2030, tỉnh hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ, đảm bảo đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu của Chính phủ. Các hệ thống thông tin chất lượng cao được triển khai đồng bộ, thống nhất, tạo lập môi trường làm việc điện tử trong các cơ quan nhà nước. Tỉnh từng bước xây dựng chính quyền số trên nền tảng ứng dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn kết hợp các ứng dụng phân tích, tổng hợp thông tin theo thời gian thực, đáp ứng yêu cầu ra quyết định của các cơ quan nhà nước trên cơ sở dữ liệu. Phú Thọ triển khai các dịch vụ đô thị thông minh tại các khu vực đông dân cư, thiết lập môi trường sống chất lượng cao, phát triển theo hướng bền vững; đảm bảo an toàn, an ninh; tiết kiệm chi phí vận hành và cung cấp các dịch vụ cho người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.