Khoa học

Chìa khoá của ngành công nghiệp bán dẫn

Chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn cũng là bước đi quan trọng chuẩn bị cho quá trình Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới của đất nước.

Giờ thực hành Thiết kế vi mạch bán dẫn của sinh viên Khoa Điện-Điện tử, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật- Đại học Đà Nẵng. 
Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn để thu hút đầu tư, phát triển vi mạch bán dẫn. Trong đó, nguồn nhân lực được coi là một trong những yếu tố then chốt để đón cơ hội này. Chính chủ đã ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn một cách bài bản, có hệ thống và đảm bảo chất lượng. Nắm bắt cơ hội này, nhiều trường đại học đã nhanh chóng mở ra ngành đào tạo liên quan đến bán dẫn.

*Đón đầu cơ hội

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghê Việt Nam đã bắt đầu tuyển sinh và đào tạo chương trình Công nghệ vi mạch bán dẫn từ năm 2024. Nội dung đào tạo bao phủ cả 3 khâu từ thiết kế, chế tạo tới đánh giá, kiểm thử. Giảng dạy bằng tiếng Anh, đội ngũ giảng viên nhà trường đã xây dựng chương trình học trang bị toàn diện cho sinh viên từ kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, đến trình độ tiếng Anh thành thạo và kỹ năng mềm để các sinh viên sau khi tốt nghiệp tự tin gia nhập thị trường lao động toàn cầu.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Quỳnh, đồng Trưởng khoa Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội), với ưu thế là một trường khoa học công nghệ đào tạo về ngành khoa học công nghệ cơ bản, trường đã có kinh nghiệm đào tạo trên một số ngành gần, ví dụ như Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano. Đặc biệt hơn, trường đã triển khai ngành Vật lý kỹ thuật và Điện tử. “Qua sự so sánh giữa chương trình học và chuẩn đầu ra của nhà trường với nhu cầu công việc, chúng tôi nhận thấy, với việc có kinh nghiệm đào tạo của những ngành gần, khi triển khai ngành Khoa học công nghệ vi mạch bán dẫn thì đã có một số ưu thế nhất định. Hiện tại, cơ sở vật chất của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đầu tư cho các ngành nghiên cứu về khoa học cơ bản hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu đào tạo của trường cũng như đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ vi mạch bán dẫn ở mức độ cơ bản”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Quỳnh cho biết.

Cho biết lý do lựa chọn ngành học là vi mạch bán dẫn, sinh viên năm thứ 2 ngành này, em Nguyễn Việt Anh cho biết, vi mạch bán dẫn hướng đến là ngành công nghiệp mũi nhọn của nước ta. Em cũng đam mê với vi mạch điện tử, thích tìm tòi, khám phá nên quyết định theo học chuyên ngành này. “Trong quá trình học, em nhận thấy định hướng này là đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng. Em và các bạn cũng được các thầy cô cung cấp đầy đủ kiến thức từ cơ bản đến các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, được thực hành tại các phòng nghiên cứu hiện đại, cập nhật những công nghệ mới nhất về bán dẫn. Nhờ đó, các sinh viên có đủ kiến thức, đủ tự tin gia nhập thị trường việc làm ngay sau khi ra trường".

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Quỳnh, bên cạnh hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm đồng bộ hiện đại, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhận được sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn. Có thể kể đến như Hệ thống phòng sạch đang được quản lý và khai thác bởi Viện Khoa học Vật liệu; hay hệ thống máy đo đạc đánh giá đặc tính chất điện - quang tại Viện Vật lý.

Có mặt tại “Phòng sạch” thuộc Viện Khoa học Vật liệu, Tiến sỹ Đào Sơn Lâm, phụ trách Phòng sạch giới thiệu quy trình nghiêm ngặt về vô trùng trước khi bước vào khu vực phòng sạch và hàng loạt thiết bị hiện đại không thể thiếu trong nghiên cứu, dạy và học ngành vi mạch bán dẫn. Đó là thiết bị chế tạo màng mỏng dẫn điện hoặc không dẫn điện với công suất khác nhau, thiết bị quang khắc, quay phổ, gia nhiệt, thiết bị tạo màng mỏng theo phương pháp hoá học, thiết bị ly tâm… Theo Tiến sỹ Đào Sơn Lâm, chính việc được mắt thấy, tai nghe, trực tiếp được các chuyên gia đầu ngành hướng dẫn, được thao tác trên những chiếc máy trị giá vài chục tỷ đồng đã giúp các sinh viên ngành vi mạch bán dẫn nắm chắc kiến thức và các bước thực hành; rút ngắn thời gian đào tạo thực tế tại các doanh nghiệp bán dẫn trong tương lai; từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, uy tín đào tạo nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam.

Trước sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên cũng đã quyết định triển khai đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn trình độ đại học, kịp thời đáp ứng tuyển sinh cho năm học 2024-2025, chương trình chính thức khởi động từ tháng 7/2024. Hoạt động đào tạo và cấp văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Khoa học.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, nhà trường xác định tập trung đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ điện tử, vi mạch và bán dẫn thuộc khối các trường là nhiệm vụ quan trọng. Với Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Khoa học, việc đào tạo về lĩnh vực công nghệ bán dẫn là mới mẻ nhưng không phải quá xa lạ với đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên đã và đang công tác tại đây.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên cho biết, với kinh nghiệm đào tạo các ngành liên quan hơn 20 năm qua như Vật lý, Vật liệu, Hóa học, hệ thống thiết bị thí nghiệm hiện đại…, đội ngũ nhà khoa học đang làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ của nhà trường gồm 6 Phó Giáo sư, 6 Tiến sĩ đã có nhiều thành tựu nghiên cứu trong nước, quốc tế về lĩnh vực này, trường phát huy tốt tiềm lực đang có để đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn thời gian tới.

Đại diện Trường Đại học Phenikaa cũng chia sẻ, năm 2024, nhà trường đã tuyển sinh khoá đào tạo đầu tiên về đào tạo chuyên ngành chip với 140 sinh viên. Trường cũng đã cử 16 học viên xuất sắc nhất ra nước ngoài đào tạo và đã có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, phòng nghiên cứu, giáo trình cho sinh viên… nhằm tiếp tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong các năm tiếp theo.

*Bước đi quan trọng

Việt Nam có đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành một phần của chuỗi giá trị bán dẫn, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. 
Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhận định, Việt Nam có đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành một phần của chuỗi giá trị bán dẫn, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu... Thời gian qua, nước ta đã hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư và phát triển chip bán dẫn. Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; trong đó, bao gồm dự án sản xuất chip.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho rằng, bên cạnh thuận lợi, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam còn hạn chế. Đó là tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, hoạt động nghiên cứu và phát triển chưa đồng bộ; nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Hơn nữa, Việt Nam cần nhiều nỗ lực để đạt được thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam hiện chỉ có khoảng 5.000 người. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam; trong đó có Đề án phát triển nguồn nhân lực 50.000 kỹ sư, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, Việt Nam đang có lợi thế của ngành vi mạch bán dẫn, đó chính là nguồn nhân lực chiến lược. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này cần phải được đào tạo nhanh, chất lượng, đảm bảo chuẩn quốc tế. “Nếu chúng ta nắm được nguồn nhân lực tốt thì đó sẽ là chìa khóa của ngành này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 4/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi cũng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, hoàn thành trong Quý I/2025; rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng đối với người học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi trong và ngoài nước, hoàn thành trong Quý IV/2025.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp; khẩn trương hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án, chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0.

Cùng với đó, tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trao đổi chuyên gia, giảng viên chuyên môn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, công nghệ số cốt lõi ở các cơ sở giáo dục đại học…

Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ về các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi, hoàn thành trong Quý I năm 2025. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ gắn với đào tạo nhân lực trình độ cao để hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu trẻ và các dự án khởi nghiệp công nghệ có tiềm năng phát triển trong các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi; ưu tiên bố trí các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, công nghệ số cốt lõi gắn với đào tạo nhân lực tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp.

Chip bán dẫn nói riêng, ngành bán dẫn nói chung được ví như "hạt gạo", bởi nó nuôi sống toàn bộ các lĩnh vực khác nhau trong kỷ nguyên công nghệ, là chìa khóa cho các công nghệ số trong tương lai. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn cũng là bước đi quan trọng chuẩn bị cho quá trình Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới của đất nước./.

Bài tiếp theo: Để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn trên thế giới

Nguyễn Thu Phương B

Xem thêm