Khoa học

Để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn trên thế giới

Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế khi gia nhập ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đòi hỏi một kế hoạch toàn diện. 
Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Bán dẫn không chỉ là một sản phẩm công nghệ mà còn mang ý nghĩa chiến lược, đóng vai trò là "xương sống" cho sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp và lĩnh vực. Việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đòi hỏi một kế hoạch toàn diện, không chỉ dựa trên vốn đầu tư mà còn cần đến một nền tảng vững chắc về chính sách, nhân lực và công nghệ cũng như sự đồng thuận, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cộng đồng nghiên cứu, người dân. Chia sẻ về nội dung này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quốc Tiến, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

*Phóng viên: Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế khi gia nhập ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xin ông cho biết ý kiến về đánh giá này?

*Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quốc Tiến: Chúng ta đã được nghe nhiều quan điểm chia sẻ về vấn đề này, theo ý kiến của tôi, Việt Nam một số thuận lợi chính khi muốn tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn và chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ nhất, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi nằm gần các trung tâm sản xuất bán dẫn lớn, như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… nơi tập trung những doanh nghiệp hàng đầu thế giới của ngành chế tạo bán dẫn thế giới do đó dễ dàng hơn để kết nối tham gia vào chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

Thứ hai, Việt Nam có nguồn lao động trẻ, được đánh giá là có năng lực tiếp thu tốt nên thuận lợi hơn trong việc đào tạo kỹ năng, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Chi phí nhân công ở Việt Nam hiện vẫn duy trì được tính cạnh tranh so với các nước phát triển cao hơn trong khu vực.

Thứ ba, Việt Nam được cho là có một thị trường nội địa tiềm năng, với dân số trẻ trên 100 triệu người có nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm công nghệ, điện thoại thông minh, thiết bị điện tử, các hệ thống tự động hóa… Trên hết là sự bùng nổ của các công nghệ trên nền dịch vụ viễn thông và internet, tạo nền tảng thị trường ổn định cho ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.

Thứ tư, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài Chính phủ Việt Nam tạo nhiều điều kiện thuận lợi, ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính, hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao trong đó có các ngành công nghiệp bán dẫn.

Thứ năm, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường quốc tế một cách dễ dàng và giảm thiểu rào cản thương mại. Các FTA sẽ giúp thúc đẩy chuỗi cung ứng và chuyển giao công nghệ trong ngành bán dẫn.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, phát triển công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức rất lớn như: Thiếu hụt số lượng lớn chuyên gia được đào tạo về lĩnh vực bán dẫn; hạ tầng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển (R&D) về lĩnh vực bán dẫn gần như chưa có, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn; sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia đi trước có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực này.

*Phóng viên: Công nghiệp bán dẫn có liên quan đến rất nhiều ngành khoa học, công nghệ khác nhau thuộc các lĩnh vực chuyên môn từ khoa học cơ bản đến khoa học ứng dụng, kỹ thuật, công nghệ. Những lĩnh vực này đang phát triển như thế nào tại Việt Nam, thưa ông?

*Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quốc Tiến: Bán dẫn là một lĩnh vực kết hợp của nhiều công nghệ khác nhau trên nền tảng của vật lý, hóa học, khoa học công nghệ vật liệu, cơ khí, điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin… Vật lý và khoa học vật liệu là nền tảng cho việc hiểu và phát triển các công nghệ liên quan đến bán dẫn. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều nhóm nghiên cứu và những kết quả nghiên cứu cơ bản tương đối tốt trong lĩnh vực vật lý bán dẫn và vật lý kỹ thuật như: Cấu trúc bán dẫn lượng tử, màng mỏng, ô xít bán dẫn, sensor bán dẫn, vật lý linh kiện bán dẫn… liên quan đến Si và cả những loại vật liệu bán dẫn quan trọng khác; lĩnh vực quang học, laser, quang phổ, plasma… tập trung tại các trung tâm nghiên cứu đào tạo lớn như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội…

Bên cạnh đó, Hóa học đóng vai trò quan trọng trong phát triển vật liệu và quy trình xử lý trong ngành bán dẫn ví dụ như chế tạo chất bán dẫn, xử lý bề mặt, sản xuất chất hóa học đặc thù (dung môi, chất tẩy rửa, khắc - ăn mòn…)… Ngành Hóa học tại Việt Nam đã có những bước tiến trong việc nghiên cứu và sản xuất vật liệu chức năng, nhưng quy mô ứng dụng trong công nghệ bán dẫn còn nhỏ và việc hợp tác với ngành công nghiệp bán dẫn chưa được phát triển mạnh.

Cơ khí và tự động hóa đóng vai trò quan trọng trong thiết kế, chế tạo thiết bị sản xuất chip và các quy trình tự động trong kiểm tra, đóng gói linh kiện bán dẫn. Cơ khí Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất gia công, nhưng chế tạo các thiết bị chính xác phục vụ công nghệ bán dẫn (như máy khắc laser, thiết bị cắt, rạch chế tác micro-nano cho bán dẫn) là lĩnh vực hoàn toàn mới. Tự động hóa đã được ứng dụng rộng rãi trong các nhà máy sản xuất, nhưng phần lớn công nghệ đều nhập khẩu. Việc phát triển công nghệ tự động hóa cho dây chuyền chế tạo bán dẫn là hoàn toàn mới đối với Việt Nam.

Điện tử là lĩnh vực trực tiếp liên quan nhiều đến công nghệ bán dẫn, từ thiết kế vi mạch đến phát triển thiết bị điện tử sử dụng chip. Tuy nhiên, thành tựu chủ yếu là nghiên cứu, phát triển thiết bị điện tử phục vụ các mục đích viễn thông, dân dụng, y tế. Công nghiệp sản xuất điện tử hầu hết vẫn là lắp ráp và sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử rạc. Việt Nam đã có một số doanh nghiệp và trung tâm nghiên cứu trong thiết kế vi mạch, ví dụ như Viettel, FPT Semiconductor, CMC, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các đơn vị trong nước không có khả năng sản xuất, chế tạo chip, lĩnh vực này chủ yếu do các công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam nắm giữ.

Công nghệ thông tin là ngành dẫn dắt trong việc phát triển phần mềm thiết kế chip, tối ưu hóa sản xuất và ứng dụng sản phẩm bán dẫn trong các lĩnh vực như AI, IoT và big data. Việt Nam đã có đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin mạnh, tập trung vào lập trình và phát triển phần mềm. Tuy nhiên, phần mềm thiết kế vi mạch chuyên dụng và các giải pháp phần mềm tích hợp liên quan đến ngành bán dẫn vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài.

*Phóng viên: Công nghệ bán dẫn bao gồm 4 công đoạn chính: Thiết kế; Chế tạo - Sản xuất; Đóng gói, Kiểm tra - Đánh giá. Theo ông, Việt Nam nên phát triển theo hướng nào?

*Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quốc Tiến: Để đưa ra đánh giá, lựa chọn chính xác cần có thông tin cụ thể hơn về thị trường và khách hàng trong tương lai của bán dẫn Việt Nam. Song nếu dựa trên hai yếu tố quan trọng nhất là nguồn nhân lực và trình độ phát triển công nghệ nói chung thì lộ trình nên bắt đầu từ hai lĩnh vực có độ phức tạp vừa phải là: Kiểm tra - Đánh giá và Đóng gói. Đây là hai lĩnh vực đã được các công ty lớn nước ngoài như Samsung, Intel, Foxconn, Amkor… đầu tư rất lớn tại Việt Nam. Tuy chưa có chuyển giao công nghệ nhưng chúng ta cũng đã có một số chuyên gia, kỹ sư có kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn này.

Bên cạnh đó, việc đào tạo, phát triển nhân lực cho hai lĩnh vực này liên quan đến những công nghệ kỹ thuật mà Việt Nam đang có tiềm năng về nguồn nhân lực và có thể tiếp cận được nhanh nhất như vật lý kỹ thuật, cơ khí, tự động hóa… Vốn đầu tư tùy theo các công việc cụ thể trong hai lĩnh vực chưa đỏi hỏi con số quá lớn, nên có thể phát triển từng bước, đảm bảo chắc chắn hơn về tính khả thi. Sản phẩm của hai khâu này có thể đến ngay với thị trường linh kiện và thiết bị bán dẫn đang phát triển ở Việt Nam.

Bên cạnh hai lĩnh vực nói trên, chúng ta cũng có thể bắt đầu phát triển lĩnh vực thiết kế vi mạch (chip). Tuy nhiên cần phải có khảo sát đánh giá sát thực tế và chi tiết hơn về nhu cầu “chip chuyên dụng” để có cơ sở lập kế hoạch đào tạo nhân lực, tìm kiếm đối tác hợp tác và chuẩn bị vốn đầu tư.

*Phóng viên: Ngành công nghiệp bán dẫn có tiềm năng phát triển rất lớn. Theo dự báo, đến năm 2050, doanh số toàn cầu của ngành này ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ USD. Một cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đang diễn ra sôi nổi trên thế giới. Việt Nam cũng đã nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách để thu hút những doanh nghiệp công nghệ về bán dẫn rót vốn, đầu tư. Theo ông, trong bối cảnh này, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đặc biệt là các ngành kỹ thuật, công nghệ cao liên quan cần có đóng góp như thế nào để giúp nước ta bắt kịp cuộc đua này?

*Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quốc Tiến: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhân tố quan trọng giúp Việt Nam không chỉ dừng lại ở vai trò gia công, kiểm thử hay đóng gói, mà tiến tới phát triển, làm chủ các công nghệ lõi trong các lĩnh vực như: Thiết kế chip, chế tạo vật liệu bán dẫn và sản xuất linh kiện bán dẫn cao cấp. Nếu duy trì được sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, giữ được với nhịp độ phát triển trong tương quan với các nước khác trên thế giới, Việt Nam sẽ tạo được được một nền tảng hiểu biết vững chắc về công nghệ bán dẫn. Trên cơ sở đó tạo lập tiền đề tốt cho chuyển giao công nghệ và thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu phát triển (R&D) tại Việt Nam. Nếu có R&D thì Việt Nam mới có thể trở thành một cứ điểm của công nghệ bán dẫn thế giới một cách vững chắc. Để đạt được mục tiêu tham vọng này, chúng ta cần định hướng một số lĩnh vực nghiên cứu cụ thể (ngắn hạn và trung hạn) cho ngành bán dẫn trên cơ sở phân tích kỹ xu hướng phát triển và định hướng đầu tư của các doanh nghiệp lớn, dẫn đầu, kết hợp với phân tích xu hướng nghiên cứu của các tổ chức khoa học công nghệ có uy tín trên thế giới về lĩnh vực bán dẫn.  

Bên cạnh đó, cần đánh giá lại một cách có hệ thống nguồn nhân lực khoa học công nghệ về lĩnh vực bán dẫn đang làm việc trực tiếp tại các viện, trường và làm việc trong những ngành có liên quan chặt chẽ với bán dẫn. Từ đó tổ chức lại đội ngũ cán bộ nghiên cứu có chuyên môn hẹp gần nhau thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu. Đáp ứng nhu cầu hợp lý về phát triển nguồn nhân lực cho các nhóm nghiên cứu, tránh việc cắt giảm nhân lực trong nghiên cứu như đối với nhân lực hành chính. Đồng thời, có chế độ ưu đãi đối với cán bộ nghiên cứu trẻ được đào tạo bài bản đặc biệt là đào tạo tại nước ngoài; giao nhiệm vụ và đặt hàng nghiên cứu những vấn đề thuộc các lĩnh vực đã định hướng như đã nói ở trên cho các nhóm nghiên cứu chuyên sâu; khuyến khích, thúc đẩy và tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt chú trọng đến hợp tác quốc tế giữa các nhóm nghiên cứu chuyên sâu và các đối tác tại các tổ chức khoa học công nghệ có uy tín trên thế giới. Theo kinh nghiệm của tôi, đây là một giải pháp quan trọng và hiệu quả giúp tiếp cận nhanh nhất tri thức công nghệ mới của nhân loại.

*Phóng viên: Trên cơ sở những phân tích và trao đổi đã đưa ra, ông đánh giá như thế nào về lộ trình thời gian để Việt Nam trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới?

*Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quốc Tiến: Đây là một câu hỏi không dễ trả lời, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng cũng xin đưa ra kịch bản dự kiến theo quan điểm của mình về lộ trình dựa trên những vấn đề vừa trao đổi, kết hợp với lộ trình trong chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn mà Thủ tướng vừa ban hành. Nếu có định hướng rõ ràng trong một số lĩnh vực cụ thể của công nghệ bán dẫn liên quan đến công đoạn Đóng gói và Kiểm tra - Đánh giá, cũng như công đoạn Thiết kế chip, đầu tư đầy đủ và thực hiện quyết liệt thì trong ngắn hạn (giai đoạn 2024 - 2030), chúng ta có thể đào tạo được thành thạo một lượng lớn kỹ sư, công nhân kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các nhà máy Đóng gói và Kiểm tra - Đánh giá đã, đang và sẽ đầu tư trong vài năm tới. Đồng thời, có thể có được một số chuyên gia trình độ cao, cũng như một số kết quả nghiên cứu về công nghệ đóng gói bán dẫn trên cơ sở hợp tác với nước ngoài. Trong lĩnh vực Thiết kế chip, bước đầu có thể đào tạo cơ bản cho các kỹ sư thiết kế chip cung cấp nguồn nhân lực cho các công ty thiết kế chip nước ngoài.

Về trung hạn (giai đoạn 2030 - 2040), tiếp tục theo đuổi tích cực việc đào tạo và nghiên cứu trình độ cao về Thiết kế chip chúng ta có thể có những chuyên gia thiết kế hệ thống trình độ cao, đáp ứng được yêu cầu thiết kế những cụm vi mạch phức tạp. Trên cơ sở đó có thể tạo ra các doanh nghiệp thiết kế chip đảm nhận được các hợp đồng thiết kế với các hãng sản xuất thiết bị điện tử. Về Đóng gói và Kiểm tra - Đánh giá, chúng ta có thể trở thành Trung tâm lớn trong khu vực Đông Nam Á. Về Chế tạo - Sản xuất, nếu điều kiện về nhân lực ngành bán dẫn, trình độ khoa học công nghệ và quy mô kinh tế Việt Nam đủ lớn, chúng ta có thể quyết định phát triển các công nghệ trong công đoạn này.   

Về dài hạn (2040 - 2050), khi công đoạn Thiết kế chip đã phát triển một cách hoàn chỉnh thì có thể đẩy mạnh phát triển, đầu tư lớn về Chế tạo - Sản xuất, khi đó nhân lực, trình độ khoa học công nghệ cũng như nhu cầu thị trường đạt đến mức độ chín muồi.

Tuy nhiên, trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu vào năm 2050 hoặc thậm chí sớm hơn, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ; nỗ lực cao của doanh nghiệp, cộng đồng nghiên cứu, đào tạo để có thể đồng bộ hóa mọi khía cạnh trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. 

*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông./.

 

Nguyễn Thu Phương B

Xem thêm