Xã hội

Chính quyền địa phương hai cấp: Linh hoạt, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm

Cần Thơ

Những ý kiến của người dân và doanh nghiệp cũng được chính quyền địa phương trả lời thỏa đáng, với ý kiến vượt thẩm quyền, phường cũng ghi nhận để trình lên cấp trên xem xét, giải quyết.

Lãnh đạo Thành ủy và UBND thành phố Cần Thơ luôn quan tâm việc thực hiện chính quyền địa phương hai cấp. Sau 15 ngày đi vào hoạt động (từ ngày 1/7), thành phố đã có nhiều mô hình hay và cách làm linh hoạt, thể hiện quyết tâm cao, nhờ đó việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp đảm bảo thông suốt và hiệu quả.

Lắng nghe người dân

Phường Phú Lợi (thành phố Cần Thơ) khu vực trung tâm của tỉnh Sóc Trăng (cũ), hiện đang triển khai mô hình “Cà phê sáng với nhân dân và doanh nghiệp”. Mô hình bước đầu nhận được sự hài lòng từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền với người dân, giúp vận hành thông suốt khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Hỗ trợ người dân bấm số giao dịch tại trung tâm hành chính công.
 Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Ông Thái Đăng Khoa, Bí thư Đảng ủy phường Phú Lợi cho biết, người dân và doanh nghiệp tham gia các buổi “Cà phê sáng” rất phấn khởi. Họ tích cực đóng góp ý kiến về việc thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, cải cách thủ tục hành chính; nêu phản ánh, kiến nghị, giải pháp liên quan đến quản lý đô thị, vệ sinh môi trường. Mô hình đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà người dân và doanh nghiệp gặp phải trong sản xuất kinh doanh, sinh hoạt. Chính quyền lắng nghe tâm tư của người dân, tập hợp nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng để vận hành thông suốt và tiến tới mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Ông Võ Thanh Hùng, người dân phường Phú Lợi cho biết: Tham gia buổi cà phê sáng với chính quyền địa phương, người dân được trao đổi thẳng thắn những vấn đề liên quan để chính quyền nắm rõ. Những ý kiến của người dân và doanh nghiệp cũng được chính quyền địa phương trả lời thỏa đáng, với ý kiến vượt thẩm quyền, phường cũng ghi nhận để trình lên cấp trên xem xét, giải quyết.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng (cũ) cho biết, mô hình “Cà phê sáng” giúp lãnh đạo phường hiểu sâu hơn về đời sống của người dân, từ đó đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của nhân dân, thể hiện rõ tinh thần của chính quyền lấy người dân làm trung tâm.

Linh hoạt vượt khó

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công xã An Lạc Thôn xử lý hồ sơ đất đai cho người dân. 
Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Tại các địa phương vùng ven ở thành phố Cần Thơ, khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp vẫn còn một số khó khăn nhất định về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã linh hoạt trong xử lý khó khăn, đảm bảo vận hành thông suốt.

Ông Võ Thanh Nhanh, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh chia sẻ, xã nằm trên cù lao hạ nguồn sông Hậu, được sáp nhập từ 4 xã, thị trấn, với diện tích 95km² và dân số gần 40.000 người. Những ngày đầu thực hiện chính quyền địa phương, số lượng người dân đến giao dịch tại trung tâm dịch vụ công xã rất đông, khoảng trên 100 hồ sơ/ngày. Để giải quyết hồ sơ nhanh chóng và mang lại sự hài lòng cho người dân, UBND xã đã điều động nhiều cán bộ không chuyên trách hỗ trợ người dân hướng dẫn và viết hồ sơ hộ tránh tình trạng ùn ứ.

Về cơ sở vật chất, ông Võ Thanh Nhanh cho biết, các phòng chuyên môn của xã hiện đáp ứng tốt cho hoạt động. Tuy nhiên, tại trung tâm hành chính công, xã vẫn thiếu máy scan và máy theo dõi kết quả xử lý hồ sơ. Dù vậy, xã đã sáng tạo bằng cách tận dụng tivi cũ kết hợp với máy vi tính để người dân theo dõi. Hiện nay, lượng hồ sơ hành chính của người dân khá đông, chủ yếu về đất đai và hộ tịch. Với đội ngũ cán bộ nhiệt tình và tâm huyết, việc xử lý các hồ sơ luôn đảm bảo đúng thời gian quy định, mang lại sự hài lòng cho người dân.

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công xã An Thạnh xử lý hồ sơ hành chính. 
Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Ông Cô Văn Cai, người dân ở xã An Thạnh phấn khởi cho biết: Trước đây muốn làm hồ sơ về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ông phải đi lại khá nhiều lần giữa cấp xã, cấp huyện, mất nhiều chi phí và thời gian. Còn giờ đây, ông chỉ cần đến trung tâm hành chính công ở xã và được nhân viên hướng dẫn tận tình. Về thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, ông Cai bày tỏ sự đồng thuận cao, bởi không còn mất nhiều thời gian và chi phí đi lại cho việc làm các hồ sơ, thủ tục hành chính như trước.

Tại xã Lai Hòa, địa phương không thực hiện sáp nhập, việc thực hiện tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đang từng bước vận hành ổn định. Ông Trần Trí Vân, Chủ tịch UBND xã Lai Hòa cho biết, toàn xã có 55,37km2, dân số gần 30.000 người, trong đó đồng bào Khmer chiếm gần 74%. Tuy còn khó khăn về nhân sự, cơ sở vật chất nhưng lãnh đạo UBND xã xác định vừa làm vừa giải quyết khó khăn, tiến hành phân công, bố trí công chức hợp lý. Xã ưu tiên bố trí không gian làm việc, hoạt động của cán bộ, công chức chuyên môn; tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, tránh lãng phí, đảm bảo hoạt động không gián đoạn và thông suốt.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Lâu thông tin, thành phố đang triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả, linh hoạt trong xử lý các khó khăn tại một số địa phương, đảm bảo vận hành thông suốt chính quyền địa phương 2 cấp. Thành phố rà soát toàn diện trang thiết bị, hạ tầng… từ đó chỉ đạo các ngành chuyên môn có giải pháp kịp thời tháo gỡ.

Đến thời điểm này, chính quyền địa phương tại 103 xã, phường đã vận hành thông suốt. Thành phố đang tiếp tục quan tâm đến các xã còn khó khăn, xã vùng ven, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục hành chính công, bảo đảm chính quyền xã vận hành hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt nhất./.

Tuấn Phi

Tin liên quan

Xem thêm