Thời tiết

Dự báo hạn hán, thiếu nước ngọt cục bộ tại miền Trung, Tây Nguyên

Mưc nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm,

Cống Tân Phú thuộc Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre tại huyện Châu Thành (Bến Tre) ngăn nước mặn xâm nhập từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

TTXVN - Thông tin về tình hình thời tiết thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Đức Cường cho biết, El Nino duy trì ảnh hưởng trong tháng 1, 2/2024 với xác suất lên tới 95%. Sau đó, xác suất của hiện tượng El Nino giảm xuống mức 60 - 85% vào thời kỳ tháng 3 - 5/2024. Do vậy, các tháng mùa khô năm 2023 - 2024, khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Trước tình hình đó, ông Hoàng Đức Cường nhận định, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương với năm 2020 - 2021. Trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 - 4/2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, hạn hán, thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô. Tình hình hạn mặn đầu năm 2024 có thể sẽ rất gay gắt; mặn sẽ lấn sâu vào vùng ven biển. "Các địa phương hết sức lưu ý đến hiện tượng sạt lở, sụt lún do hạn hán", ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh.

Cùng với đó, trong các tháng mùa khô 2023 - 2024, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khả năng gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, đồng thời các tháng mùa khô ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa. Trước những dự báo trên, các địa phương trong vùng phải xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn sớm và sâu hơn nhằm đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương có các giải pháp trữ nước ngọt, chủ động bố trí sinh hoạt, sản xuất một cách phù hợp.

Theo phóng viên TTXVN, trước tình hình dự báo về hạn hán, xâm nhập mặn, các địa phương đã chủ động các biện pháp ứng phó. Tỉnh Bến Tre đã tuyên truyền, phát động việc trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm 2023 bằng nhiều hình thức như: Tận dụng dụng cụ trữ nước đã được hỗ trợ, trữ nước trong các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước...Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó theo phạm vi quản lý của ngành, địa phương phù hợp với tình hình dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn.

Tiền Giang triển khai và hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên tỉnh lộ 864; kết hợp hoàn thiện tuyến đê dọc sông Tiền để đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.

Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang cùng với địa phương hoàn thành gia cố, đắp mới 45 đập đất ngăn mặn ở các huyện Kiên Lương, Châu Thành, An Biên, An Minh; dự phòng gia cố, đắp mới 14 đập ngăn mặn trên địa bàn hai huyện Hòn Đất và Kiên Lương khi mặn xâm nhập sâu. Xây dựng, sửa chữa 44 cống thủy lợi, 35 trạm bơm điện, nạo vét hơn 50 kênh, mương kết hợp làm đê bao, bờ bao và duy tu, cải tạo, sửa chữa công trình thủy lợi trên địa bàn các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, An Biên, Giang Thành.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 04/CĐ-TTg, ngày 15/1/2024, trong đó giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi sát diễn biến và có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân; đồng thời chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi sát ảnh hưởng của El Nino, diễn biến thời tiết, nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên cả nước, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung, Tây Nguyên để các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ; tổ chức thu thập thông tin về tình hình nguồn nước, vận hành điều tiết của các hồ chứa thủy điện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, khai thác sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn các sông xuyên biên giới để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, nguy cơ thiếu nước về một số hồ chứa lớn ở Bắc Bộ và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và Tây Nguyên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đời sống người dân./.


Thắng Trung

Xem thêm