Ngành Du lịch Bình Thuận đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thu hút khách quốc tế với kỳ vọng thị trường khách quốc tế sẽ “ấm lên”, nhất là vào thời điểm đón Giáng sinh, chào Năm mới 2023.
(TTXVN) Mặc dù đã bước vào mùa cao điểm khách “trú đông” nhưng lượng khách quốc tế đến Bình Thuận vẫn khá vắng và tốc độ tăng trưởng chậm. Trong khi đó, khách nội địa đang vào mùa thấp điểm khiến nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn gặp khó khăn. Để vượt qua giai đoạn này, ngành Du lịch Bình Thuận đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thu hút khách quốc tế.
Vắng khách quốc tế trong mùa cao điểm
Sau mùa hè sôi động với lượng khách nội địa tăng trưởng khá ấn tượng, nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tại Bình Thuận triển khai các chương trình đón dòng khách quốc tế dịp cuối năm. Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, lượng khách "trú đông" đến địa phương rất ít, không như kỳ vọng.
Tại Poshanu Resort (phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết) trong tháng 11/2022, đơn vị chỉ đón được 36 khách quốc tế (chiếm 10% tổng lượng khách trong tháng), trong đó đa phần là người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam. Khách quốc tế bay thẳng chiếm số lượng ít. Vì vậy, đơn vị buộc phải cắt giảm 50% nhân viên để giảm bớt chi phí. Ông Phan Trung Can, Giám đốc điều hành Poshanu Resort cho biết, du lịch Bình Thuận sẽ gặp khó trong mùa đông năm nay là điều đã được nhìn thấy từ trước, nhất là trong bối cảnh thị trường khách quốc tế phục hồi chậm hơn dự kiến. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen đi du lịch của người nước ngoài; dịch bệnh kéo dài khiến tài chính, kinh tế cá nhân của mỗi khách hàng hạn hẹp hơn. Ngoài ra, xung đột giữa Nga và Ukraine cũng làm ảnh hưởng đến lượng khách Nga và nguồn khách từ châu Âu.
Để chuẩn bị cho dòng khách "trú đông" quay trở lại, Aroma Beach resort (phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết) đã chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất, làm mới sản phẩm, dịch vụ như xây dựng thêm phòng ốc, hồ bơi, phòng trẻ em, trồng cây ăn trái, tạo cảnh quan mới… Trong tháng 11/2022, lượng khách quốc tế chiếm khoảng 50% lượng khách lưu trú tại đây; chủ yếu đến từ các nước: Hàn Quốc, Đức, Đan Mạch, Canada…
Ông Nguyễn Văn Tho, Trưởng bộ phận lễ tân của Aroma Beach resort cho biết, hoạt động du lịch quốc tế năm nay gặp nhiều khó khăn. Trước đây, khách thường đặt phòng trước vài tháng, thậm chí cả năm. Tuy nhiên, hiện nay khách chỉ đặt sát thời điểm đi và “canh” các chương trình khuyến mãi. Điều này cho thấy, du khách vẫn còn tâm lý e ngại và dè dặt.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, mùa đón khách quốc tế ở Bình Thuận thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Hai năm ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine khiến thị trường khách quốc tế đã có nhiều thay đổi. Đến thời điểm này, Bình Thuận đón hơn 71.000 lượt khách quốc tế, tăng 3,2 lần so cùng kỳ năm 2021. Mặc dù, lượng khách tăng trưởng qua mỗi tháng nhưng lượng khách quốc tế đến Bình Thuận mới chỉ đạt 33,88% kế hoạch năm 2022. Thị trường khách thường xuyên là Nga, Trung Quốc vẫn còn ở mức thấp so với những năm chưa xảy ra dịch bệnh.
Thu hút khách quốc tế
Theo một số doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Phan Thiết, lượng khách đặt chỗ cho tháng 12 năm nay và tháng 1/2023 ở mức từ 20-30% công suất. Dự báo trong thời gian tới, dòng khách châu Âu, Đông Âu hay khách Nga vẫn chưa thể phục hồi như mong muốn.
Với kỳ vọng thị trường khách quốc tế sẽ “ấm lên”, nhất là vào thời điểm đón Giáng sinh, chào Năm mới 2023, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Bình Thuận linh hoạt triển khai các phương án, kết nối với đơn vị lữ hành đón khách nhiều thị trường khác nhau, đồng thời chuẩn bị kỹ cơ sở vật chất, làm mới sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc các khách hàng thân thiết… Các cơ sở tận dụng thế mạnh khí hậu trong lành, thời tiết nắng ấm, bãi biển trong xanh cùng với hệ thống các resort cao cấp ven biển có không gian riêng biệt để xây dựng và khai thác dòng sản phẩm du lịch chăm sóc, nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe Wellness với gói sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách.
Ông Phan Trung Can, Giám đốc điều hành Poshanu Resort chia sẻ, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, cơ sở tập trung đa dạng hóa thị trường, không lệ thuộc vào một số thị trường truyền thống như trước đây. Điều quan trọng nhất hiện nay là cơ sở cần giữ vững và nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng nhằm tạo sự hài lòng và tin tưởng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về hình ảnh điểm đến uy tín, chất lượng, an toàn để du khách quay trở lại.
Hướng tới Năm Du lịch quốc gia 2023 Bình Thuận - Hội tụ xanh, tỉnh triển khai kế hoạch truyền thông nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên du lịch, văn hóa lễ hội, cảnh quan thiên nhiên và sản phẩm du lịch đặc sắc; các tuyến, điểm du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Bình Thuận đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá qua các cơ quan thông tấn, báo chí, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, hệ thống tin nhắn SMS…Cùng với đó, tỉnh tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip, những người có sức ảnh hưởng trong nước và nước ngoài đến Bình Thuận khảo sát, trải nghiệm các hoạt động, sự kiện, thực hiện ghi hình, các phóng sự, bài viết quảng bá du lịch...
Ngành Du lịch tổ chức và tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước, quốc tế gắn với công tác truyền thông về Năm Du lịch quốc gia 2023 như tham gia Hội chợ WTM London 2022 - Vương quốc Anh; phối hợp tổ chức họp báo giới thiệu Năm Du lịch lịch quốc gia 2023 tại Hà Nội, vận động doanh nghiệp du lịch tham gia Hội chợ trực tuyến Bà Rịa-Vũng Tàu… Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao hấp dẫn, độc đáo để kích cầu, thu hút du khách quốc tế đến Bình Thuận./.
- Từ khóa:
- Du lịch
- khách quốc tế