Lào Cai phấn đấu đến năm 2030 trở thành Trung tâm du lịch quốc gia ở vùng núi phía Bắc, là điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế.
(TTXVN) Những năm qua, du lịch Lào Cai dần khẳng định được vị thế trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tích cực phát triển du lịch vùng Tây Bắc nói riêng và vùng Trung du miền núi phía Bắc nói chung. Năm 2019, du lịch đóng góp trực tiếp vào GRDP của tỉnh 12,3% và ngành công nghiệp không khói đã tạo được sức lan tỏa kéo theo nhiều ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Trong bối cảnh đó, phụ nữ và người dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với một số khó khăn và thách thức cản trở sự tham gia tích cực như: thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ về du lịch; thiếu tự tin, gặp rào cản về ngôn ngữ; chịu gánh nặng công việc gia đình và định kiến giới về vai trò làm chủ kinh tế.
Lào Cai phấn đấu đến năm 2030 trở thành Trung tâm du lịch quốc gia ở vùng núi phía Bắc, là điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế. Đến năm 2050, Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh”, “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực, gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt, đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình.
Để đạt được các mục tiêu trên, từ nay đến năm 2050, Lào Cai sẽ đảm bảo tiếp cận bình đẳng, hưởng lợi công bằng cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số ngay trong các chính sách về phát triển du lịch để có ít nhất 40% người hưởng lợi, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai là phụ nữ và người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, trong xây dựng các chính sách mới về phát triển du lịch, Lào Cai xác định, vấn đề này là nội dung quan trọng hoặc được lồng ghép trong từng nội dung cụ thể.
Tỉnh khuyến khích phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng mà ở đó phụ nữ có thể phát huy được đầy đủ nhất khả năng của mình. Các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tăng cường tổ chức các lớp đào tạo để trang bị kiến thức quản lý, kỹ năng nghề du lịch cho cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số để nâng cao năng lực tham gia của phụ nữ và người dân tộc thiểu số vào hoạt động phát triển du lịch.
Đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu có trên 58% lao động trong lĩnh vực du lịch tại Lào Cai được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, chuyên môn sâu về du lịch và tỷ lệ này đạt trên 75% vào năm 2030. Trong đó, địa phương chú trọng ưu tiên đào tạo kỹ năng các nghề du lịch mà ở đó phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số có thể phát huy được tốt nhất khả năng của mình.
Lào Cai ưu tiên quyền được quản lý, được có việc làm trong hoạt động du lịch đối với phụ nữ; phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đồng thời phối hợp với Hiệp hội Du lịch trong việc tăng cường tổ chức các hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề du lịch cho phụ nữ để đảm bảo phụ nữ có cơ hội được tham gia đầy đủ nhất vào các hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh./.