Năm 2024, trải qua nhiều khó khăn sóng gió do thiên tai, bão lũ nhưng ngành du lịch Cao Bằng có những nỗ lực cố gắng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, bước đầu khẳng định được vị trí trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Năm 2024, ngành du lịch Cao Bằng trải qua nhiều khó khăn sóng gió do thiên tai, bão lũ nhưng cũng chứng kiến nhiều nỗ lực bứt phá vươn lên, ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.
Trang cẩm nang du lịch quốc tế của Mỹ Lonely Planet vừa công bố danh sách những điểm đến du lịch nổi bật nhất của Đông Nam Á. Trong đó Cao Bằng được xếp ở vị trí thứ 2. Booking.com – trang đặt phòng trực tuyến lớn nhất thế giới cũng bình chọn Cao Bằng là 1 trong 10 điểm đến du lịch thân thiện nhất Việt Nam.
Bước vào đầu năm 2024, du lịch Cao Bằng đón nhận nhiều tín hiệu khả quan khi tình hình kinh tế cả nước đã có dấu hiệu phục hồi và phát triển sau 4 năm đại dịch Covid-19. Từ đầu năm, lượng khách du lịch đến Cao Bằng có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng so với những năm trước. Tuy nhiên những diễn biến từ thời tiết bất lợi và thiên tai đã khiến cho đà tăng trưởng du lịch của Cao Bằng bị chững lại. Ngay từ đầu mùa hè, Cao Bằng đã chứng kiến những đợt mưa lũ lớn, sạt lở, ách tắc giao thông, ngập lụt khiến cho rất nhiều du khách phải hủy chuyến đi đến Cao Bằng.
Khác với những vùng du lịch biển, đón khách vào mùa hè, mùa du lịch ở Cao Bằng là mùa thu. Mùa thu, khi những cơn mưa bão mùa hè đã hết, thời tiết mát mẻ, bầu trời trong xanh, ruộng lúa bậc thang chín vàng cũng là lúc các dòng sông suối đầy nước trong veo. Đây cùng là thời điểm thác Bản giốc đẹp nhất trong năm và cũng là thời điểm du khách yêu thích nhất khi đến Cao Bằng. Khi Cao Bằng đang chuẩn bị bước vào mùa du lịch quan trọng nhất trong năm thì cơn bão Yagy ập đến khiến cho du lịch Cao Bằng bị thiệt hại, thất thu nặng nề. Sau cơn bão, mặc dù chính quyền địa phương và người dân đã khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, sẵn sàng đón khách trở lại nhưng trong cả mùa thu 2024, du khách gần như không đến Cao Bằng.
Sau cơn bão, ngành du lịch Cao Bằng tiếp tục gượng dậy, cố gắng vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Cao Bằng đã tổ chức thành công Hội nghị quốc tế lần thứ 8 mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESSCO khu vực Thái Bình Dương, qua đó gây dựng, củng cố được vị thế, uy tín với ngành du lịch quốc tế. Cũng trong năm 2024, Cao Bằng và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc chính thức đưa vào vận hành khai thác chung khu vực thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc). Bên cạnh đó, tỉnh cũng nâng cấp cửa khẩu Trà Lĩnh thành cửa khẩu quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai nước xuất nhập cảnh, rất thuận lợi cho hợp tác phát triển du lịch giữa hai bên.
Phát huy giá trị của Công viên địa chất toàn cầu, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động, qua đó nâng cao nhận thức của người dân về khai thác du lịch. Người dân đã biết khai thác những thế mạnh của tỉnh, đó là nhiều cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, vùng vỹ, tươi đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc phong phú để phục vụ du lịch. Người dân và các cơ sở kinh doanh du lịch cũng có ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường, khiến cho Cao Bằng ngày càng trở nên hấp dẫn du khách.
Theo số liệu báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng, trong năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến Cao Bằng là trên 1,83 triệu lượt người, tổng doanh thu từ du lịch trên 1.500 tỷ đồng. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt trên 49 nghìn người, tăng 43% so với năm 2023. Những con số trên còn rất khiêm tốn so với nhiều tỉnh khác. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước và trong hoàn cảnh khó khăn do thiên tai thì kết quả trên đã cho thấy sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch Cao Bằng so với những năm trước.
Ông Sầm Việt An, giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng nhận định: Năm 2024 trong bối cảnh tình hình chính trị xã hội trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, nhiều ngành nghề gặp khó khăn thách thức thì du lịch Cao Bằng đã có những nỗ lực cố gắng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, bước đầu khẳng định được vị trí trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Trong năm 2025, Sở sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung đột phá, chương trình trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng; chương trình phát triển du lịch nông thôn, đẩy mạnh số hóa ngành du lịch, tổ chức chuỗi các sự kiện trọng điểm, nhất là đăng cai tổ chức Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc; tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc theo hai hướng chính: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng núi. Đẩy mạnh các sản phẩm du lịch bổ trợ như các hoạt động thể thao; tăng cường hợp tác phát triển du lịch biên giới với Quảng Tây…/.
- Từ khóa:
- Du lịch
- Cao Bằng
- điểm đến
- Đông Nam Á