Ngành Du lịch Đà Nẵng đang phục hồi, phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.
TTXVN - Năm 2024, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu phục vụ hơn 8,42 triệu lượt khách lưu trú, tăng hơn 13,8% so với năm 2023; trong đó, khách quốc tế 2,5 triệu lượt, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành, phấn đấu trên 30,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10%. Ngay trong ngày đầu năm mới Tết Giáp Thìn 2024, các đoàn khách du lịch đã tấp nập “xông đất” thành phố.
* Những tín hiệu vui
Trong ngày Mùng 1 Tết Nguyên đán, Đà Nẵng đã tổ chức đón các chuyến bay quốc tế, nội địa và tàu biển đưa hàng chục nghìn khách trong nước, quốc tế đến tham quan, du lịch thành phố. Từ ngày 8/2 đến 14/2, có 894 chuyến bay trong nước và quốc tế đưa hành khách đến Đà Nẵng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Cảng Tiên Sa đón 3 chuyến tàu biển quốc tế lưu trú lại 1 đêm với hơn 3.400 khách.
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn ước đạt gần 362 ngàn lượt, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 172 ngàn lượt, khách nội địa ước đạt 190 ngàn lượt. Đây là những tín hiệu vui khởi đầu cho năm mới 2024, với nhiều kỳ vọng, thành công mới, góp phần đẩy mạnh, phát triển ngành du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Du lịch qua đường hàng không vẫn là nguồn khách chính của du lịch Đà Nẵng với 40 ngàn chuyến bay, ước đạt hơn 6,3 triệu lượt trong năm 2023, tăng 1,42 lần so với năm 2022 và phục hồi 81,2% so với năm 2019. Các đường bay trực tiếp quốc tế được khai thác trở lại thời gian qua đã đồng thời gia tốc cho sự phục hồi du lịch Đà Nẵng. Đến cuối năm 2023, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng đã khai thác 7 đường bay nội địa, với tần suất bình quân 51 chuyến/ngày và 16 đường bay quốc tế với tần suất 49 chuyến/ngày.
* Điểm sáng du lịch, dịch vụ
Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, với những ý tưởng sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của các doanh nghiệp, người dân để phát triển du lịch, Đà Nẵng đã có hành trình 15 năm tổ chức thành công nhiều sự kiện lễ hội đặc sắc và tầm cỡ quốc gia, quốc tế như: Lễ hội Pháo hoa quốc tế, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ABG5), Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race… Thành phố cũng vinh dự nhận danh hiệu “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á” do Tổ chức Du lịch thế giới (Word Travel Award) trao tặng.
Tháng 11/2023, Tạp chí Condé Nast Traveller (CN Traveller), tạp chí du lịch nổi tiếng chuyên dành cho phân khúc du lịch sang trọng, cao cấp có trụ sở chính tại Anh đã công bố Đà Nẵng là đại diện duy nhất của Việt Nam đứng vị trí thứ 2 trong top 11 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2024.
Theo ông Đỗ Trọng Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng, việc tiếp đón hành khách cũng là một phần quan trọng trong phát triển thương hiệu du lịch thành phố. Vừa qua, Nhà ga quốc tế Đà Nẵng tự hào trở thành nhà ga đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được xếp hạng 5 sao theo tiêu chuẩn Skytrax, sau những nỗ lực không ngừng trong việc cải tiến cơ sở vật chất và nâng cao trải nghiệm hành khách.
Để tiếp tục khẳng định thương hiệu là điểm đến du lịch hàng đầu khu vực và thế giới, thành phố Đà Nẵng đã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ cùng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược như: Sun Group, Vin Group, DHC, Alphanam, BRG Group, Sovico Holdings, Mikazuki... góp phần thay đổi diện mạo du lịch Đà Nẵng. Đến tháng 12/2023, thành phố có 16 khu, điểm du lịch (tăng 9 khu, điểm so với năm 2010); 1.285 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 46 ngàn phòng (tăng 1.104 cơ sở và hơn 40 ngàn phòng).
* Đa dạng sản phẩm du lịch mới
Sản phẩm du lịch mới là một điều không thể thiếu để thu hút du khách. Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh chia sẻ, hiện nay, các sản phẩm du lịch Đà Nẵng ngày càng được quan tâm đầu tư theo hướng có chiều sâu, đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách. Thành phố đã hình thành 9 nhóm sản phẩm du lịch thu hút khách gồm: du lịch lễ hội/sự kiện; du lịch văn hóa - lịch sử, vui chơi giải trí; du lịch biển gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; du lịch về đêm; du lịch đường thủy; du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp; du lịch MICE (hội họp); du lịch Golf; du lịch cưới.
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thành phố tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn tại các địa điểm công cộng để phục vụ người dân, du khách, như: tổ chức chương trình cầu Rồng phun lửa, phun nước liên tục vào các đêm từ ngày 9/2 (tức ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão) đến ngày 13/2 (tức ngày mùng 4 tháng Giêng năm Giáp Thìn); quay nhịp thông thuyền cầu sông Hàn vào các đêm 10/2 và 11/2 (tức ngày mùng 1 và mùng 2 tháng Giêng năm Giáp Thìn); lắp đặt mô hình check-in tại khu vực cầu Rồng; trang trí hoa và điện chiếu sáng phục vụ Tết; bắn pháo hoa đêm Giao thừa Tết Giáp Thìn 2024...
Đặc biệt, để mang đến những sản phẩm du lịch chất lượng và tiếp tục khẳng định hình ảnh điểm đến du lịch Đà Nẵng trong lòng du khác, Đội xe xích lô du lịch Đà Nẵng được đầu tư nâng cấp với 83 chiếc xích lô đẹp, an toàn, sạch sẽ, cùng đội ngũ nhân viên được đào tạo, tập huấn về ngoại ngữ, văn hóa và ứng xử văn minh khi phục vụ khách. Với tiêu chí thân thiện - nhiệt tình - mến khách, xích lô du lịch đã trở thành sản phẩm đặc trưng của du lịch Đà Nẵng, được du khách trong và ngoài nước yêu thích, đặc biệt là khách quốc tế.
Nhiều khu, điểm du lịch lớn tại thành phố Đà Nẵng cũng tổ chức nhiều hoạt động độc đáo, đặc sắc vào dịp Tết Nguyên đán 2024 như, khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài tổ chức Lễ hội Thần Tài với các hoạt động múa lân sư rồng và trống hội, hái lộc đầu năm, lễ cung nghinh Thần Tài, lễ cầu an, biểu diễn nghệ thuật bài chòi…
Đến với khu du lịch Sun World Ba Na Hills dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, du khách được hòa mình vào không gian đại tiệc sắc màu trên đỉnh Bà Nà với muôn hoa rực rỡ, đồng thời trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, độc đáo mừng năm mới trong Lễ hội Mùa xuân năm 2024.
Bên cạnh các điểm đến vui chơi, giải trí phục vụ khách du lịch, ẩm thực là một phần quan trọng trong hành trình tham quan của du khách. Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama Resort Danang cho biết, trong năm 2024 đơn vị tổ chức chuỗi sự kiện ẩm thực “Hành trình qua Ẩm thực Việt” với các chủ đề: Mùa xuân: Cội nguồn Việt – Nghệ nhân Di sản Việt; Mùa hè: Hương biển “Đà” – Phong vị “Việt”; Mùa Thu - Đồng vọng Phù sa; Mùa Đông: Tết “Việt”, Tết “Furama” và Đêm “Tinh hoa hội ngộ” ẩm thực Việt Nam vào tháng 12 Âm lịch để xác lập kỷ lục châu Á cho các món ẩm thực Việt Nam. Chuỗi sự kiện sẽ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực và các đầu bếp nổi tiếng trên cả nước.
Ngành Du lịch Đà Nẵng đang phục hồi, phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Du lịch cũng góp phần vào việc hiện thực hóa các Nghị quyết của Trung ương và địa phương về “xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; “xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á”…/.