“Đến chợ quê “Làng Chăm Đa Phước”, không chỉ được tham quan, trải nghiệm, thưởng thức các món ăn ngon mà còn được ghé thăm thánh đường Hồi giáo nơi người Chăm Islam cầu nguyện là một trải nghiệm rất thú vị, khó quên.
TTXVN - Để kết nối, thúc đẩy quảng bá, giới thiệu về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Chăm Islam đến với du khách, mới đây, huyện biên giới An Phú (tỉnh An Giang) đã phát triển mô hình chợ quê “Làng Chăm Đa Phước”. Mô hình đã thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, mua sắm, thưởng thức những món ăn truyền thống; qua đó, góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Chợ quê “Làng Chăm Đa Phước” nằm trong Khu sinh thái Jiao Hary (thuộc khóm Hà Bao 2, thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) - nơi có những thánh đường Hồi giáo Islam tuyệt đẹp cùng nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Từ khoảng 7 giờ đến 21 giờ ngày thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, chợ quê “Làng Chăm Đa Phước” lại “nhóm họp” tại Khu sinh thái Jiao Hary với hơn 60 gian hàng là các sản phẩm nông - lâm sản, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, các loại bánh truyền thống của người Chăm Islam An Giang. Tiểu thương ở đây phần lớn là người dân địa phương, hàng quán là những căn chòi nhỏ đơn sơ với mái lá, vách tre. Những món hàng được bày bán đều do người dân tự tay làm ra hay nuôi, trồng.
Nhiều du khách cho rằng, chợ quê “Làng Chăm Đa Phước” là “thiên đường” của ẩm thực bởi có rất nhiều món ăn truyền thống, vừa dân dã, vừa đặc sắc, riêng có của người Chăm Islam An Giang như: cà ri bò, tung lò mò, bánh paykgah, bánh saykya, cơm truyền thống… Chị Lê Thu Hà (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ, lần đầu tiên được bạn mời vào An Giang chơi, chị rất ấn tượng khi đến với chợ quê “Làng Chăm Đa Phước” bởi không gian thoáng mát. Đặc biệt, đến đây, chị có cảm giác như đi du lịch các nước Trung Đông với những thánh đường tuyệt đẹp và các món ăn hấp dẫn.
“Đến chợ quê “Làng Chăm Đa Phước”, không chỉ được tham quan, trải nghiệm, thưởng thức các món ăn ngon mà còn được ghé thăm thánh đường Hồi giáo nơi người Chăm Islam cầu nguyện là một trải nghiệm rất thú vị, khó quên. Thiết nghĩ, ai cũng nên trải nghiệm một lần nếu có dịp đến An Giang”- chị Hà bày tỏ.
Ông Abdul Alim, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch làng Chăm An Giang cho biết, anh là người con của làng Chăm An Giang nói chung và thị trấn Đa Phước nói riêng, muốn cống hiến một phần công sức để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng nơi đây, Công ty đã đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh Jiao Hary để kết nối, quảng bá rộng rãi về văn hóa truyền thống, ẩm thực của người Chăm đến khách du lịch trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho người dân có “công ăn việc làm” ổn định, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế. Qua đó, duy trì, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm Islam An Giang…
“Chợ đang duy trì vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần; dự kiến dịp Tết Nguyên đán sẽ mở xuyên suốt từ 28 tháng Chạp đến mùng 7 Tết” - ông Abdul Alim cho biết thêm.
Lần đầu tiên đến với chợ quê “Làng Chăm Đa Phước”, chị Nguyễn Thị Hồng Cẩm (ở Long Xuyên, An Giang) cho biết, chị đi du lịch nhiều nơi cả trong nước và quốc tế nhưng chưa nơi nào có được trải nghiệm độc đáo như ở chợ quê này. “Lạc vào chợ, khách được “bao no” với giá cả bình dân. Từ những món ăn mang đậm văn hóa ẩm thực của người Hồi giáo như: món cà ri bò cay nồng, tung lò mò béo ngậy… đến các món bánh paykgah, bánh saykya, cơm truyền thống… Tất cả đều ngon đến nao lòng, khiến ai cũng mê mẩn không muốn về”- chị Thư hào hứng chia sẻ.
Phiên chợ quê còn có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như: bơi thuyền, ca múa nhạc trên đảo cá chép, trải nghiệm mặc trang phục người Chăm, phục dựng lễ cưới người Chăm Islam An Giang… Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang cho biết, phiên chợ quê “Làng Chăm Đa Phước” chính thức mở cửa đón khách từ ngày 20/1/2024 đến nay. Phiên chợ phục vụ từ 7 giờ đến 21 giờ tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Đến nay, chợ quê đã trở thành một sản phẩm du lịch mới của Đa Phước, An Phú nói riêng và An Giang nói chung. Qua đó, quảng bá hình ảnh người An Giang, trong đó có văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm đến du khách gần xa…
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, việc hình thành phiên chợ quê “Làng Chăm Đa Phước” gắn liền với mô hình “Làng bè đa sắc màu” tại ngã ba sông Châu Đốc sẽ trở thành điểm nhấn độc đáo, thú vị ở của du lịch An Giang. Đây chắc chắn là điểm đến đặc biệt thu hút nhiều khách du lịch đến với huyện biên giới An Phú nói riêng, An Giang nói chung trong thời gian tới./.
- Từ khóa:
- Chợ quê
- đồng bào Chăm
- đầu nguồn biên giới
- An Giang