Du lịch

Du lịch giáo dục Việt Nam – Định hướng và giải pháp phát triển

Phát triển sản phẩm du lịch giáo dục hứa hẹn mang đến nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn phát biểu.
Ảnh: NB/TTXVN

Đó là chủ đề hội thảo do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (thuộc Cục Du lịch Quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức ngày 30/8, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, trên cơ sở kết quả nghiên cứu khảo sát đánh giá và sự giúp đỡ của nhiều đơn vị, Viện đã bước đầu nghiên cứu về du lịch giáo dục. Đây là hình thức không mới và hiện đang thu hút sự quan tâm của xã hội nói chung và của ngành du lịch nói riêng. Xét về tiềm năng phát triển, tại Việt Nam, sản phẩm du lịch giáo dục có thể bao trùm nhiều lĩnh vực, có khả năng đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu đan xen với vui chơi, giải trí của mọi đối tượng khách. Phát triển sản phẩm du lịch giáo dục hứa hẹn mang đến nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, trong điều kiện nguồn lực có hạn, nhóm nghiên cứu còn nhiều hạn chế trong việc tìm hiểu thông tin và đi thực tế các điểm du lịch giáo dục tại các địa phương. Thời gian tới, nếu nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân quan tâm đến việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch giáo dục thì thực hiện vai trò, chức năng của mình, Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, đề xuất giải pháp mang tính đồng bộ cũng như nâng cấp đề tài này lên nghiên cứu khoa học ở cấp Bộ.

Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Thị trường, Sản phẩm, Đào tạo và Quản lý khoa học (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) phát biểu.
Ảnh: NB/TTXVN 

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Thị trường, Sản phẩm, Đào tạo và Quản lý khoa học (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch), Chủ nhiệm đề tài cho biết, du lịch giáo dục là trải nghiệm học tập được tổ chức và quản lý bởi các tổ chức giáo dục và tổ chức kinh doanh du lịch ngoài nơi cư trú thường xuyên của người học. Việc học tập được thực hiện kết hợp với các loại hình du lịch phù hợp để đáp ứng nhu cầu của người học và mục tiêu của tổ chức.

Tại Việt Nam, theo khảo sát, chất lượng cơ sở lưu trú và cơ sở ăn uống được lựa chọn trong các chương trình du lịch giáo dục chưa đồng đều. Các công trình vui chơi, giải trí gắn với điểm du lịch giáo dục còn đơn giản, chủ yếu tập trung vào hoạt động tham quan, bơi lội, chơi bóng, đánh cầu hoặc kết nối nhóm (team building). Đáng nói, nhân lực tại các điểm du lịch còn ít, kiêm nhiệm nhiều hoạt động, trình độ nhân lực chưa cao, hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm và ít có cơ hội được giao lưu, học hỏi.

Các sản phẩm du lịch giáo dục hiện nay thường gắn với chủ đề: Lịch sử và văn hóa, Môi trường và sinh thái, Khoa học và công nghệ, Ngôn ngữ. Đối tượng khách được chia thành nhiều độ tuổi (Mầm non và Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Đại học và người lớn). Mùa du lịch được chia thành: Mùa Xuân và Tết Nguyên đán, mùa Hè, mùa Thu và Đông.

Mặc dù du lịch giáo dục mang lại nhiều lợi ích, cơ hội phát triển cho nhiều bên liên quan, Việt Nam có nhiều tài nguyên, tiềm năng phát triển song hiện đang tồn tại nhiều khó khăn, thách thức để phát triển loại hình này. Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, đến nay, Việt Nam chưa có hướng dẫn thủ tục để chứng nhận chuyên môn cho các loại hình du lịch cộng đồng khi tham gia vào loại hình du lịch nói chung. Việc hợp tác, ký kết hợp đồng sản phẩm giữa các đơn vị trong ngành du lịch còn ít; kỹ năng kiến thức đội ngũ nhân sự loại hình du lịch này chưa cao...

Để phát triển du lịch giáo dục, bà Lan Hương đề cập đến việc định hướng nghiên cứu thị trường, phát triển nhiều sản phẩm phù hợp với phân khúc thị trường và xu hướng du lịch giáo dục quốc tế. Bên cạnh việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương, các sản phẩm du lịch giáo dục phải xây dựng được quan hệ liên kết hợp tác với các tổ chức giáo dục, được tiếp thị và quảng bá tốt hơn nữa.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thắng (Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á phát biểu.
Ảnh: NB/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thắng (Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á) giới thiệu về du lịch "SAVE tour" đang phổ biến trên thế giới; trong đó, SAVE là viết tắt của Scientific (khoa học) – Academic (học thuật) - Volunteer (tình nguyện) – Education (giáo dục). Du lịch giáo dục đóng vai trò trụ cột của "SAVE tour" bởi lẽ, đây là loại hình mà du khách được nghiên cứu, tìm hiểu, học tập những kiến thức, kỹ năng tại các điểm đến.

Gợi ý định hướng phát triển du lịch giáo dục, ông Thắng đề xuất Chính phủ giao các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ chế chính sách, đề án phát triển du lịch giáo dục; quy hoạch các điểm du lịch giáo dục và các tuyến, điểm du lịch giáo dục kết hợp với các loại hình khác; tăng tính hấp dẫn của chương trình du lịch, sản phẩm du lịch. Cùng với đó, xây dựng mô hình du lịch giáo dục mẫu để nhân rộng; đầu tư tạo không gian giáo dục, các điểm cộng đồng gắn liền với hoạt động du lịch; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá; tăng cường đào tạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch giáo dục.../.

NNBích

Xem thêm