Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Phát huy hiệu quả báo chí trong thời đại mới kỷ nguyên vươn mình
Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ khắc phục những bất cập, tồn tại để nền báo chí ngày càng phát triển lớn mạnh, hiệu quả.
Luật Báo chí được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5/4/2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Sau hơn 7 năm thi hành, một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí và sự phát triển của khoa học, công nghệ, truyền thông. Do đó, Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ khắc phục những bất cập, tồn tại để nền báo chí ngày càng phát triển lớn mạnh, hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh cho rằng: "Qua nghiên cứu dự thảo Luật Báo chí, chúng tôi nhận thấy những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về báo chí đã được chỉ ra. Sau khi được ban hành, công tác quản lý báo chí và công tác phối hợp, định hướng, đặc biệt là phân định giữa các cơ quan báo chí và các tạp chí sẽ rõ hơn". Bên cạnh đó, công tác quản lý cũng như định hướng quản lý báo chí trên địa bàn sẽ tốt hơn, phát huy hiệu quả báo chí trong thời đại mới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngành Văn hóa thể thao và du lịch khi tiếp nhận thêm nhiệm vụ quản lý báo chí đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là lãnh đạo cũng như đội ngũ làm công tác quản lý cần tiếp tục trau dồi những kiến thức, luật và những quy định về báo chí.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, khoản 4 Điều 7 Luật Báo chí quy định “UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý Nhà nước về báo chí tại địa phương”. Cụm từ “báo chí tại địa phương” chưa được rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau (báo chí do cơ quan, tổ chức tại địa phương ra quyết định thành lập, báo chí có trụ sở chính tại địa phương, báo chí có văn phòng đại diện tại địa phương hay báo chí thông tin về địa phương) gây khó khăn trong xác định phạm vi quản lý nhà nước về báo chí của địa phương. Do đó, Luật cần phân định rõ ràng hoặc có sự thống nhất chung.
Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho rằng, qua nghiên cứu dự thảo sửa đổi Luật Báo chí năm 2016, ông thấy rằng, đối với nội dung quy định về tổ chức Hội Nhà báo, trong bản Dự thảo đã ngắn gọn súc tích hơn. Cụ thể trong Dự thảo, quy định 4 chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam. Nội dung rất cô đọng và đã bao quát được các các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội Nhà báo. Tuy nhiên, nhà báo Đỗ Ngọc Hà kiến nghị một số nội dung như: Về nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, tổ chức Hội Nhà báo sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định đạo đức nghề nghiệp đối với những hội viên nhà báo thuộc quyền quản lý của tổ chức Hội. Những người làm báo mà không thuộc tổ chức Hội sẽ rất là khó khăn khi kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định đạo đức nghề nghiệp. Những người làm báo không phải là hội viên nhà báo cần có những quy định, chế tài cụ thể. Như vậy, Hội Nhà báo mới có thể thực hiện được nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Ở nội dung thứ tư của dự thảo Luật Báo chí quy định về chức năng nhiệm vụ của Hội Nhà báo là việc tổ chức các Giải Báo chí. Về nội dung này, Nhà báo Đỗ Ngọc Hà kiến nghị bổ sung từ “tổ chức các cuộc thi” để hoàn chỉnh hơn, cụ thể là Hội Nhà báo sẽ tổ chức thêm các cuộc thi và các Giải Báo chí cho hội viên và những người làm báo trên địa bàn./.