Môi trường

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Hoàn thiện danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng

Trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, tên gọi phù hợp nhất cho loại khoáng sản được hình thành, quản lý trong các liên minh khoáng sản và chuỗi cung ứng toàn cầu khoáng sản thô thường được gọi là “khoáng sản chiến lược” hoặc “khoáng sản quan trọng”.

Một khu vực khai thác cao lanh ở xã Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc). 
Ảnh: TTXVN phát

Tại Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã được trình Quốc hội và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có một quy định mới: “Khoáng sản chiến lược, quan trọng là khoáng sản thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước”.

Quy định này có liên quan đến "Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 334/QĐ-TTg năm 2023. Chiến lược này đặt mục tiêu cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản quốc gia đối với một số khoáng sản chiến lược, quan trọng, quy mô lớn làm cơ sở phát triển bền vững kinh tế - xã hội; ưu tiên thăm dò các mỏ quặng ẩn sâu đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến đối với các khoáng sản có quy mô lớn.

Theo ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, tên gọi phù hợp nhất cho loại khoáng sản được hình thành, quản lý trong các liên minh khoáng sản và chuỗi cung ứng toàn cầu khoáng sản thô thường được gọi là “khoáng sản chiến lược” hoặc “khoáng sản quan trọng”.

Tính chất chung của khoáng sản chiến lược và khoáng sản quan trọng là có giá trị kinh tế cao. Các khoáng sản này thường có giá trị kinh tế lớn và có nhu cầu cao trên toàn cầu; thường có trữ lượng hạn chế và khai thác phức tạp, đôi khi tập trung ở một số ít quốc gia. Ngoài ra, khoáng sản chiến lược và khoáng sản quan trọng đều có ứng dụng cho công nghệ cao. Rất nhiều khoáng sản trong danh mục này là thành phần không thể thiếu trong sản xuất công nghệ cao như pin lithium-ion, chất bán dẫn và năng lượng tái tạo.

Ông Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng của Việt Nam là: Đất hiếm, khoáng sản phóng xạ (urani-thori), kim loại hiếm (liti, berili, coban), kim loại đang thiếu hụt (vàng, thiếc-wolfram, đồng, niken), các khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và các khoáng sản bổ sung thay thế cát, sỏi lòng sông.

Ông Trần Phương cho biết thêm, Luật Khoáng sản năm 2010 không có quy định khoáng sản chiến lược, quan trọng. Tuy nhiên, tại khoản 14 Điều 3 Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có quy định: “Khoáng sản chiến lược, quan trọng là khoáng sản thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước”.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Niệm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Địa hóa Việt Nam, tại điều 3 khoản 22 của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, giải thích từ ngữ “khoáng sản độc hại” là loại khoáng sản có chứa một trong các nguyên tố urani, thori, thủy ngân, arsen, chì, nhóm khoáng vật asbet mà khi khai thác, sử dụng, lưu giữ phát tán ra môi trường những chất phóng xạ hoặc độc hại vượt mức quy định của quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Do đó, Dự thảo Luật cần chỉnh sửa cho phù hợp, nếu còn dùng thuật ngữ này theo hướng bản chất tự nhiên là các nguyên tố chỉ độc hại khi vượt ngưỡng hàm lượng cho phép và theo dạng tồn tại (hành vi) của chúng trong môi trường, ngoài ra còn do cả tính khả dụng sinh học của chúng.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Niệm phân tích, khi nói đến khoáng sản đã xác định đến thành phần có ích và có hại. Khoáng sản chứa nhiều thành phần vật chất (nguyên tố, khoáng vật) có thể gây độ hại khi hàm lượng của chúng phát tán ra môi trường vượt ngưỡng hàm lượng cho phép cũng như thay đổi hành vi địa hóa của chúng (ví dụ dạng tồn tại). Điều này khẳng định rằng không chỉ có 5 nguyên tố nói trên và nhóm khoáng vật asbet mới gây độ hại mà tất cả các nguyên tố khác đều có khả năng gây độc hại theo bản chất nêu trên. Ví dụ đồng (Cu), sắt (F), lưu huỳnh (S)… tồn tại trong nhiều loại hình khoáng sản, kiểu mỏ khác nhau.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Niệm đề xuất, thuật ngữ “khoáng sản độc hại” trong Dự thảo Luật này cần mở rộng với điều tra địa chất khoáng sản trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững để đảm bảo việc xác định đúng bản chất làm rõ các thành phần có hại trong các loại hình khoáng sản, không chỉ có 5 nguyên tố nêu trên và khẳng định các nguyên tố khác đi kèm khoáng sản là không có hại khi phát tán ra môi trường./.

Trần Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm