Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được điều tra, đánh giá và lập quy hoạch, kế hoạch thăm dò đầy đủ, quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.
Do đó, các quy định của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật liên quan; rõ ràng, dễ hiểu và mang tính khả thi cao, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản, gắn với yêu cầu phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả.
Theo Tiến sỹ Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, dự thảo Luật gồm 12 chương và 117 điều. Trong đó, dự thảo Luật có một số điểm mới, nổi bật như: Phân nhóm khoáng sản để thực hiện quản lý khoáng sản theo nhóm; phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh; cải cách hành chính; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng kinh tế hàng năm; sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược...
Đáng chú ý, về cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có 23 thủ tục. Trong số này, 18 thủ tục được kế thừa từ hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản hiện hành, 5 thủ tục mới (bao gồm điều chỉnh giấy phép thăm dò; cấp lại giấy phép thăm dò; điều chỉnh giấy phép khai thác; cấp lại giấy phép khai thác; điều chỉnh đề án đóng cửa mỏ) nhằm giải quyết các yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý và để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản. Các thủ tục hành chính đã được rà soát, đơn giản tối đa trình tự, thủ tục giải quyết. Ví dụ, đối với khoáng sản nhóm IV, thay vì phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác thì chỉ cần thực hiện đăng ký khai thác khoáng sản (cắt giảm 90% thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp).
Trên cơ sở những nội dung kế thừa, bổ sung, các nội dung làm rõ trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Chính phủ xem xét, phê duyệt dự thảo Luật, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Mai Thế Toản cho rằng, dự thảo Luật cần được tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đặc biệt là các nội dung liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (tránh chồng lấn với thuế tài nguyên và bảo đảm theo tinh thần của Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị); đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản; kiểm soát, giám sát sản lượng khai thác khoáng sản; cơ sở dữ liệu về địa chất, khoáng sản. Ngoài ra, việc xử lý hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động khoáng sản cần phải được xem xét, đánh giá để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Dự thảo Luật cần gắn công tác quy hoạch, quản lý khai thác khoáng sản với đô thị hóa - cấp nước - giao thông - thủy lợi - lâm nghiệp - du lịch và bảo vệ môi trường trong một thể thống nhất; có chế độ khuyến khích các phương án hoạt động khai thác khoáng sản bền vững (hài hòa lợi ích khai thác khoáng sản và bảo vệ tốt môi trường, lợi ích của thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau, lợi ích của các bên liên quan).
Phó Cục trưởng Mai Thế Toản nhấn mạnh, pháp luật sẽ khó đi vào cuộc sống nếu như năng lực thực thi không đáp ứng. Do vậy, Nhà nước cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước từ khâu lập quy hoạch đến cấp phép, đóng cửa mỏ, bảo đảm giảm thiểu tất cả các tác động tiêu cực, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án khai thác mỏ và sau khi đóng cửa mỏ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cần quan tâm áp dụng các công nghệ, giải pháp thân thiện môi trường (tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng chất thải như đất đá thải, quặng đuôi) và thực hiện tốt các trách nhiệm, nghĩa vụ theo luật định. Hệ thống pháp luật về địa chất và khoáng sản có tính khoa học, toàn diện, thực tiễn và được tuân thủ nghiêm minh sẽ loại trừ được những bất cập liên quan đến hoạt động địa chất, khoáng sản như hiện nay./.
Diệu Thúy